Dành dụm được 1,5 tỷ đồng, vợ chồng anh Đức Duy tính vay thêm 500-600 triệu đồng để mua một căn chung cư hai phòng ngủ trong năm nay. Với ngân sách khoảng 2 tỷ đồng, anh Duy mất nhiều tháng nhưng chưa tìm được căn nào bởi giá các dự án tại quận trung tâm đều ở ngưỡng cao. Anh chuyển hướng sang huyện Đông Anh, mong có thể tìm được căn nhà phù hợp với tài chính hai vợ chồng.
Liên hệ với môi giới chuyên khu vực này, anh Duy bất ngờ vì nhiều căn chuyển nhượng có giá vượt 50 triệu đồng một m2. Đơn cử, tại dự án căn hộ ba tòa nằm ở chân cầu Nhật Tân, thuộc xã Vĩnh Ngọc, một số căn rộng 50 m2 đã bố trí nội thất được chào 2,6 tỷ đồng (khoảng 52 triệu đồng một m2) trong khi mức giá hồi đầu năm khoảng 1,8 tỷ đồng. So với lúc mở bán, giá này đã tăng 2,8 lần sau 7 năm.
Dịch chuyển 7 km sang khu vực xã Đông Hội, mặt bằng giá chuyển nhượng tại dự án chung cư gần cầu Đông Trù cũng dao động 48-53 triệu đồng một m2. Anh Duy ví dụ một số căn hai phòng ngủ, diện tích 68 m2 được môi giới chào giá 3,3-3,4 tỷ đồng. Mức này cũng tăng 20-25% so với 6 tháng trước. Môi giới giục anh “chốt nhanh vì giá bán thay đổi theo từng tuần”.
“Tôi nghe giá mà ngỡ ngàng bởi đều là dự án vùng ven, mở bán chưa đến 20 triệu đồng một m2. Cầm 2 tỷ, giờ cũng chật vật để tìm nhà xa trung tâm”, anh Duy chia sẻ.
Chị Mai Linh, huyện Gia Lâm, cũng gặp khó khi tìm mua nhà ở khu vực ven đô với ngân sách khoảng 2 tỷ đồng. Tìm nhà tại khu đô thị phía Đông, chị Linh cho hay 2 tỷ đồng hiện chỉ mua được căn diện tích nhỏ như studio và một phòng ngủ. Còn quỹ căn hai phòng ngủ, diện tích khoảng 55 m2 đang được chào bán 45-47 triệu đồng một m2, tăng khoảng 10-15% so với ba tháng trước.
Chị tham khảo cả những dự án mở bán mới ở khu vực xa hơn như Văn Giang, Hưng Yên, song giá bán cũng không hề rẻ. Tại dự án cao 21 tầng đối diện trung tâm hành chính huyện Văn Giang, môi giới đang chào giá khoảng 38-41 triệu đồng một m2. Khách mua sẽ phải chi khoảng 2,2 tỷ đồng để sở hữu một căn hộ rộng khoảng 54 m2, trong khi năm ngoái giá mở bán chỉ khoảng 1,6 tỷ đồng. Môi giới cho biết dự án chuẩn bị bàn giao cuối năm nay nên giá bán có thể tiếp tục tăng thêm.
Theo ghi nhận của VnExpress, 9 tháng đầu năm, rổ hàng căn hộ bình dân tại huyện vùng ven ngày càng đội giá cao hơn trước. Giá bán tại một số dự án tăng nhanh lên ngưỡng trên 40 triệu đồng một m2, thậm chí nhiều căn vọt lên vùng giá 50 triệu đồng mỗi m2. So với giai đoạn 2018-2019, thời điểm chung cư huyện ven chủ yếu phân khúc bình dân dao động 15-20 triệu đồng một m2, hiện mặt bằng đã tăng cao. Phân khúc giá “mềm” nhất thị trường Hà Nội nay đã vênh lên 2-2,5 lần sau 6 năm.
Báo cáo mới đây của hàng tư vấn dịch vụ bất động sản Savills cho thấy giá chung cư Hà Nội tiếp tục leo thang ở cả dự án mới và cũ. Theo đó, mặt bằng giá dự án mới đã tăng 6% theo quý và 28% theo năm, đạt 69 triệu đồng một m2. Dự án sơ cấp tăng cao cũng kéo giá bán chung cư cũ leo thang, với mức 41% theo năm, lên 51 triệu đồng một m2.
“Chỉ 1% số căn hộ đã giao dịch có giá dưới 2 tỷ đồng, cho thấy sự mất cân đối nghiêm trọng trong cơ cấu sản phẩm của phân khúc chung cư”, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội, nhận định.
Dữ liệu lịch sử giá của kênh rao tin Batdongsan cũng chỉ ra giá bán nhiều chung cư huyện ven như Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức đã leo thang 50-100% sau một năm. Ví dụ, dự án Eurowindow River Park (Đông Anh) được chào bán trên kênh này trung bình 50 triệu đồng một m2, tăng 95% so với quý III/2023. Hay tại chung cư Gemek Premium, huyện Hoài Đức, giá bán phổ biến quý III dao động 44-46 triệu đồng một m2, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo thăm dò mới đây của VnExpress với hơn 3.000 độc giả, có đến 52% phản hồi cho biết chỉ đủ khả năng mua chung cư phân khúc dưới 2 tỷ đồng. Với tỷ lệ căn hộ bình dân ngày càng hiếm hoi, bà Đỗ Thu Hằng, chuyên gia Savills, đánh giá việc sở hữu nhà trở nên khó khăn hơn bao giờ hết với nhiều người dân.
“Giải pháp không mua được nhà trung tâm có thể chuyển ra huyện ven đang ngày càng khó, hiện người mua có thể phải dịch chuyển ra khỏi địa bàn Hà Nội, sang cả các tỉnh lân cận”, bà Hằng cho hay.
Giám đốc một sàn giao dịch chuyển nhượng có trụ sở tại thị trấn Đông Anh ghi nhận tình trạng chung cư trên địa bàn cũng bị “đội giá” nhiều tháng qua. Ba tháng trở lại đây, nhiều giao dịch tại sàn này bị hủy phút chót vì chủ bất ngờ nâng giá, người mua không chấp nhận và lùi kế hoạch mua. Giá nhà bình dân tăng cao cũng khiến thời gian chốt được giao dịch “mất nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng hơn” so với trước đây.
Vị này cho biết một số chủ nhà có tâm lý “ăn theo” sức nóng của khu vực quận trung tâm, cùng với nguồn cầu dịch chuyển từ nhóm người mua có tài chính vừa phải, đã liên tục đẩy giá bán kỳ vọng. Cá biệt có một số tòa chung cư cũ nằm gần khu vực đại dự án đang triển khai nên “hưởng ké” sức nóng từ rổ hàng giá cao. Tuy nhiên, điều này làm cho thị trường khó thanh khoản hơn bởi với vùng giá 50 triệu đồng một m2, người mua có thể tìm mua nhiều dự án cũ ở quận trung tâm như Hà Đông, Hoàng Mai…
Cùng quan điểm, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc EZ Propety cho biết căn hộ ở vùng giá 2 tỷ đồng đang ngày càng khó tìm ở khu vực huyện ven, sau thời gian dần biến mất ở các quận trung tâm. Ban đầu, tình trạng đội giá nhà tập trung ở các dự án thương mại quận trung tâm Hà Nội, sau đó tác động lây lan đến các phân khúc nhà ở xã hội, nhà tập thể, thậm chí cả nhà giá bình dân tại vùng ven. Diễn biến này đẩy mặt bằng giá căn hộ bình dân lên cao hơn so với những năm trước.
“Thực tế tình trạng hét giá cao từ các dự án mới đang đẩy cả doanh nghiệp và chủ nhà vào cuộc đua tăng giá, khiến cho thị trường phát triển ngày càng thiếu bền vững”, ông Toản nói.
Theo các chuyên gia, nhà ở bình dân chính là “tia hy vọng” giúp cân bằng giá nhà ở, đảm bảo thị trường phát triển bền vững và lành mạnh. Từ năm ngoái đến nay, Thủ tướng và các bộ ngành nhiều lần kêu gọi các doanh nghiệp điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, chú trọng nhà ở vừa túi tiền hơn, nhưng tình trạng giá dự án mới vẫn liên tục leo thang, thậm chí lập các mốc kỷ lục. Hồi tháng 5, Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng yêu cầu các sở, ngành thành phố cam kết khởi công ít nhất 1 dự án ở xã hội trước ngày 1/10. Đến nay, tình trạng phát triển nhà xã hội tại thủ đô vẫn chậm, chưa đạt 40% chỉ tiêu tính đến cuối tháng 7.
“Để giải quyết bài toán nhà ở vừa túi tiền cho người dân, cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải cùng quyết tâm, bởi không một bên nào đơn lẻ có thể giải quyết bài toán nan giải này”, bà Đỗ Thu Hằng, chuyên gia Savills, nói.
Ngọc Diễm