Australia định siết nhập cư để kiềm chế giá nhà

Giới chức Australia đang nghĩ đến việc hạn chế nhập cư khi giá nhà nước này tiếp tục leo lên mức cao mới.

Giá nhà ở Australia vừa đạt mức cao mới tại nơi vốn đã là một trong những thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới. Ngân hàng trung ương Australia đã tăng lãi suất với tốc độ kỷ lục kể từ tháng 5/2022, nhưng giá bất động sản trung bình toàn quốc vẫn tăng khoảng 7% trong một năm qua, theo WSJ.

Dịch vụ tài chính CoreLogic cho biết giá nhà tại nước này đã quay lại mức kỷ lục tháng 4/2022 (phục hồi toàn bộ mức giảm 7,5% so với đỉnh trước đó). Đến giữa tháng 11, chỉ số giá trị nhà do CoreLogic tính toán đã tăng hơn 8,1% so với hồi cuối tháng 1/2023. Trong đó, Sydney, Brisbane và Perth tăng hơn 10%.

Hiện giá nhà trung bình, tính chung các loại nhà, ở Australia đã trên 750.000 đôla Australia (503.000 USD). Mức cao nhất ghi nhận ở Sydney, với 1,12 triệu đôla Australia (755.000 USD). Trong khi, nơi có giá phải chăng nhất là Darwin, xấp xỉ 500.000 đôla Australia (335.000 USD)

Dòng người di cư đến nước này tăng mạnh thời gian qua được chỉ ra là một trong những nguyên nhân chính khiến giá nhà leo thang bất chấp lãi suất tăng. Đất nước 26 triệu dân này đã đón kỷ lục 510.000 lượt di dân trong năm tài chính gần nhất, cao hơn 20% so với dự kiến của chính phủ.





Các khu dân cư nằm dọc vùng ngoại ô Birchgrove của Sydney vào tháng 8/2017. Ảnh: Reuters

Các khu dân cư nằm dọc vùng ngoại ô Birchgrove của Sydney vào tháng 8/2017. Ảnh: Reuters

Atif Riaz, 35 tuổi, chuyển đến Australia từ Pakistan khoảng 4 năm trước. Anh và gia đình đã tìm mua nhà ở ngoại ô Sydney hai năm qua nhưng không dành đủ tiền vì giá bất động sản và chi phí sinh hoạt tăng cao. Tiền thuê nhà của anh đã tăng 30% trong năm qua. Gần đây, anh tìm đến các vùng ngoại ô cách trung tâm một giờ lái xe. Tại đó, giá nhà khoảng 700.000 đôla Australia, tương đương khoảng 460.000 USD. “Ngày qua ngày, khả năng vay mượn của bạn giảm đi”, Riaz nói.

Shelley McGonigal, Điều hành một cơ quan tái định cư tại Brisbane cho biết ngay cả những gia đình có thu nhập tốt cũng đang rời xa công việc để tìm một nơi nào đó mà họ có đủ khả năng sinh sống. Lesleyanne Hawthorne, chuyên gia về vấn đề di cư tại Đại học Melbourne xác nhận đang có mối lo ngại lớn về mối tương quan giữa tình trạng thiếu nhà ở và quy mô người di cư tạm thời đến Australia.

Để giúp giá nhà phải chăng hơn, giới chức Australia đang có kế hoạch hạn chế tình trạng di cư. Dự kiến, một chính sách mới sẽ được công bố tuần này giúp giảm 14% số người di cư trong bốn năm tới so với dự kiến.

Cụ thể, Australia muốn giảm thiểu việc gọi là “visa hopping,” trong đó sinh viên và những người đã nhập cư tiếp tục nhận được visa tạm thời mới. Trong khi, quy định sẽ được siết chặt đối với cấp mới visa sinh viên, bao gồm yêu cầu hầu hết sinh viên quốc tế hồi hương sau thời gian học.

Cùng với đó, Bộ trưởng Tài chính Jim Chalmers cho biết nước này cũng sẽ tăng gấp 3 phí khi mua nhà hiện hữu của người nước ngoài, như một phần của các biện pháp nhằm tăng nguồn cung nhà ở giá rẻ.

“Phí mua nhà hiện hữu cao hơn, tăng mức phạt đối với những người bỏ trống tài sản và tăng cường hoạt động tuân thủ sẽ giúp đảm bảo đầu tư nước ngoài vào bất động sản nhà ở là vì lợi ích quốc gia chúng ta”, ông Chalmers tuyên bố. Chính phủ cũng sẽ cắt giảm phí đăng ký đầu tư nước ngoài vào các dự án xây để cho thuê, nhằm khuyến khích xây dựng nhiều nhà hơn.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng việc giảm giá nhà bằng cách siết nhập cư không phải lựa chọn dễ dàng. Australia đang phải đối mặt với một thế cân bằng mong manh. Thách thức đặt ra là liệu họ có thể giảm tổng số người nhập cư trong khi vẫn thu hút được các kỹ sư, chuyên gia công nghệ thông tin và công nhân lành nghề khác vào thời điểm mà nguồn tài trợ từ Đạo luật Giảm lạm phát của chính quyền Biden đang thu hút nhân tài đổ đến Mỹ hay không.

Tình trạng thiếu lao động sau đại dịch trong các ngành từ khách sạn đến chăm sóc sức khỏe đã thúc đẩy một số doanh nghiệp tuyển dụng lao động từ nước ngoài. “Chúng ta đang trong tình huống là các thành phố bị hạn chế về dân số và nhiều khu vực trong nước cần thêm người”, Bộ trưởng Nội vụ Clare O’Neil cho biết.

Cùng với đó, giá cả thị trường nhà ở được cho là tác động bởi nhiều yếu tố phức tạp, chứ không riêng do người nhập cư tăng. Theo CoreLogic, quy mô hộ gia đình nhỏ hơn, dân số già đi và tỷ lệ kết hôn thấp hơn sẽ làm tăng nhu cầu về nhà ở. Thực tế, giá thuê nhà vẫn tăng 16% ngay cả khi nước này đóng biên thời dịch.

Trước khi có ý định giảm nhập cư, chính phủ Australia đã có vài động thái hỗ trợ người mua và người thuê nhà. Quỹ nhà ở mới trị giá tương đương 6,6 tỷ USD đã được tung ra, tập trung tài trợ cho việc xây dựng thêm hàng chục nghìn ngôi nhà những năm tới. Một ý tưởng khác là chính phủ sẽ sở hữu một phần vốn trong việc mua bán nhà để giảm gánh nặng chi phí cho người mua.

Anh Kỳ (theo WSJ, The Guardian)


Nguồn vnexpress

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *