Bắc Giang vừa thông qua 37 dự án cần thu hồi đất với tổng diện tích đất thu hồi hơn 1 triệu m², trong đó đất trồng lúa gần 774 nghìn m² để thực hiện nhiều dự án, trong đó có các khu đô thị và nhà ở xã hội.
Thu hồi gần triệu m2 đất lúa
HĐND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Nghị quyết thông qua điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án cần thu hồi đất; các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa vào mục đích khác năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (đợt 1).
Theo đó, Nghị quyết đã thông qua 85 dự án sử dụng đất. Cụ thể, thông qua 37 dự án cần thu hồi đất với tổng diện tích đất thu hồi hơn 1 triệu m²; trong đó đất trồng lúa gần 774 nghìn m², đất khác hơn 237 nghìn m²; Thông qua 5 dự án chuyển mục đích sử dụng đất.
Theo danh sách này có một số dự án thu hồi diện tích trồng lúa lớn như Khu số 1 thuộc Khu đô thị số 11,12 thuộc Quy hoạch phân khu số 2, TP Bắc Giang (thuộc địa phận xã Hương Gián, huyện Yên Dũng) thu hồi tổng cộng 187.000 m2 đất, trong đó có hơn 180.000 m2 đất lúa.
Tiếp đến là Khu nhà ở xã hội (NƠXH) Vân Trung , huyện Việt Yên thu hồi 77.000 m2 đất, trong đó gồm 71.000 m2 đất lúa và 6.000 m2 đất khác.
Đồng thời, Nghị quyết cũng điều chỉnh diện tích , tên, địa điểm, loại đất của 43 dự án đã được HĐND tỉnh thông qua tại các Nghị quyết số 30/NQ-HĐND ngày 04/10/2022, số 39/NQ-HĐND ngày 9/12/2022, số 10/NQ-HĐND ngày 5/4/2023, số 29/NQ-HĐND ngày 14/7/2023, số 57/NQ-HĐND ngày 19/10/2023, số 76/NQ-HĐND ngày 13/12/2023.
Trong đó, Cụm Công nghiệp Hương Sơn (xã Hương Sơn, Lạng Giang) tăng diện tích từ 350.000 m2 lên 384.000 m2, trong đó diện tích đất lúa bị thu hồi tăng từ 19.000m2 lên 53.000 m2.
Nhiều chủ đầu tư gây bức xúc
Có thể thấy, những năm qua, để phát triển kinh tế – xã hội, Bắc Giang liên tiếp phê duyệt các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị, NƠXH,…Do đó, nhiều triệu m2 đất lúa đã bị thu hồi để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng , góp phần thay đổi diện mạo địa phương. Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng việc thu hồi diện tích lớn đất trồng lúa để chuyển đổi mục đích sử dụng, thực hiện dự án vẫn gặp phải một số vướng mắc, khiến tiến độ không ít dự án bị ảnh hưởng.
Minh chứng là dự án Khu NƠXH Vân Trung do Công ty TNHH FuGiang làm chủ đầu tư, có quy mô 16,7 ha, tổng vốn đầu tư hơn 166 triệu USD từng bị Sở Xây dựng Bắc Giang ra văn bản số 184 liên quan đến việc bị chậm tiến độ.
Theo đó nguyên nhân khiến dự án này bị chậm tiến độ là do người dân chưa đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng , công tác phối hợp của một số ban, ngành, cơ quan trong việc bố trí cho chuyên gia nước ngoài lưu trú tại một số công trình trong dự án chưa đáp ứng được yêu cầu.
Ngoài dự án vừa nêu, trên thực tế, không ít chủ đầu tư dự án NƠXH trên địa bàn tỉnh Bắc Giang còn từng vướng không ít lùm xùm liên quan đến việc ngang nhiên xây dựng trái phép và nhiều lần bị cơ quan chức năng địa phương xử phạt.
Cụ thể, UBND tỉnh Bắc Giang từng liên tiếp xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động xây dựng, thi công không phép với các dự án thuộc hệ sinh thái bất động sản mang tên “Fuji”. Đáng chú ý, ông Giang chính là đại diện pháp luật, Tổng Giám đốc của loạt công ty như Công ty Cổ phần Phát triển Fuji Bắc Giang , Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển nhà Fuji, Công ty Phát triển nhà Fuji Vân Trung.
Đối với Công ty Cổ phần Phát triển Fuji Bắc Giang, đây chính là chủ đầu tư dự án NƠXH dành cho công nhân xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng. Điều đáng chú ý, là dự án này từng bị người dân tố cáo tự ý chặn đường dân sinh , lấp kênh thoát nước của dân gây ngập lụt khiến không ít người bức xúc mặc dù sau đó chủ đầu tư dự án đã thỏa thuận với người dân và khắc phục một phần các vấn đề vừa nêu. Mặc dù vậy, đến nay báo Tiền Phong vẫn nhiều lần nhận được phản ánh của người dân về việc này…
Hay dự án NƠXH cho công nhân, tại khu đô thị mới thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên (thị xã Việt Yên) có tên thương mại là Evergreen Bắc Giang từng gây bức xúc vì các sàn môi giới dựng lều rầm rộ rao bán, thu tiền chênh căn hộ và shophouse tại dự án, gây nhiễu loạn thị trường khi chưa đủ điều kiện mở bán. Sau đó, Sở Xây dựng phải vào cuộc thanh tra, kiểm tra và báo cáo Bộ Xây dựng. Đồng thời, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh bất động sản đối với Công ty Cổ phần Dịch vụ Bất động sản Everland – đơn vị môi giới bất động sản tại dự án Evergreen Bắc Giang.
Theo tìm hiểu, Everland đăng kí địa chỉ trụ sở công ty ở số 18, ngách 28, ngõ 463 Đội Cấn, Phường Vĩnh Phúc, Quận Ba Đình (Hà Nội). Công ty này do bà Nguyễn Thị Lộc làm Giám đốc và đại diện pháp luật, được cấp phép hoạt động vào ngày 23/11/2021 (đúng 1 tháng sau khi dự án NƠXH Evergreen Bắc Giang khởi công xây dựng).
Thế nhưng, thời điểm dự án rầm rộ rao bán hồi năm 2022, khi PV tìm đến địa chỉ được đăng ký làm trụ sở công ty, thì nơi này chỉ là một căn nhà dân sinh 3 tầng, nằm lọt thỏm ở cuối con ngõ vắng, ở cổng có đề biển là trụ sở của một công ty kỹ thuật – thương mại và công nghệ. Theo người dân, công ty Everland đã rời đi từ lâu.
Đáng chú ý, trước nhà 18 không có một biển quảng cáo nào liên quan đến hoạt động BĐS, trong nhà cũng không có một bóng người ra vào để giao dịch, hay có dấu hiệu nào cho thấy đây là trụ sở của một công ty BĐS phân phối sản phẩm của dự án nghìn tỷ đồng.
Chia sẻ với PV, một người dân sống gần nhà 18 cho biết, căn nhà này thuộc sở hữu của một người tên C., tuy nhiên, hiện người này cũng không ở đây mà cho thuê lại.
Dù tự nhận là đơn vị độc quyền phân phối sản phẩm BĐS tại dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng, Everland công khai duy nhất một số điện thoại trong hợp đồng đặt cọc. PV đã nhiều lần liên hệ vào số này, nhưng không có người nhấc máy. Trong khi đó, hai số điện thoại của người đại diện pháp luật được công bố kèm mã số thuế của Everland hiện nay đều được tổng đài báo là không đúng, không tồn tại…