Câu chuyện “danh phận” cho dòng sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng đã có lối ra với việc cho phép cấp giấy chứng nhận, nhưng cũng rất cần phải sớm có các thông tư hướng dẫn đi kèm cụ thể và hành lang pháp lí điều tiết chặt chẽ.
Theo báo cáo nghiên cứu thị trường quý I/2023, thị trường căn hộ nghỉ dưỡng vẫn ảm đạm cả về nguồn cung và cầu khi chỉ có 20 dự án được chào bán với 826 sản phẩm, chủ yếu đến từ các dự án tại Phú Quốc với lượng giao dịch vỏn vẹn 58 căn, giảm đến 98% so với cùng kì năm 2022. Đặc biệt, sản phẩm căn hộ du lịch (condotel) gần như vắng bóng. Thanh khoản thị trường ở mức rất thấp, tỉ lệ hấp thụ chỉ đạt 7%. Ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc R&D DKRA Vietnam cho biết, trong quý đầu năm nay, rất ít chủ đầu tư có sản phẩm tung ra thị trường và tiếp tục áp dụng chính sách cam kết, chia sẻ lợi nhuận, hỗ trợ lãi suất… nhằm kích cầu tiêu dùng bất động sản, một số chủ đầu tư còn đưa ra mức chiết khấu lên đến 40% giá chào bán, nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan.
Giữa tháng 4.2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình. Tuy nhiên, những điều kiện kèm theo sau đó vẫn cho thấy việc đưa loại hình bất động sản nêu trên vào một khung pháp lí hoàn chỉnh là không dễ dàng. Trong đó, vấn đề lớn nhất là điều kiện để cấp giấy chứng nhận “đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về xây dựng, pháp luật về kinh doanh bất động sản”. Đến nay, Nghị định đã có, quy định cũng đã có, thế nhưng lúc này, hai câu hỏi lớn nhất liên quan đến cấp chứng nhận quyền sở hữu cho condotel là: Cấp cho ai và cấp cho tài sản nào thì vẫn đang được cho là điểm nghẽn và là vướng mắc đối với các chủ sở hữu, doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Trong bối cảnh các bộ luật liên quan đang được đưa ra lấy ý kiến để hoàn thiện, nhiều khuyến nghị đã được gửi đến cơ quan chức năng về việc đồng bộ tháo gỡ vướng mắc pháp lí. Đại diện Công ty nghiên cứu và Tư vấn bất động sản CRBE Việt Nam nhận định, dù Nghị định 10 đã có nhưng cũng rất cần phải có các thông tư hướng dẫn đi kèm cụ thể và hành lang pháp lí điều tiết chặt chẽ. “Với condotel, chúng ta sẽ chịu điều tiết của luật như thế nào? Và về bản chất condotel giống căn hộ du lịch, khách sạn, có nghĩa là không có ở đó thường xuyên thậm chí cho thuê… chúng ta quản lý như thế nào? Đây là vướng mắc để chúng ta đưa ra khi cấp sổ đỏ. Và khi cấp rồi thì có chế tài, hành lang pháp lí gì để điều tiết?”, bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu và Tư vấn bất động sản CRBE Việt Nam phân tích.
Luật sư Nguyễn Thanh Nhã, Văn phòng luật DBS cho rằng, vướng ở đây không phải là quy định pháp luật chưa có mà vướng chính là cách hiểu và áp dụng các quy định này như thế nào. Nghị định 10 mới đây quy định, mục đích của dự án thường là lưu trú trên cơ sở dự án du lịch và phải đáp ứng điều kiện về đất đai, xây dựng và bất động sản. Cách hiểu và việc phải lựa chọn một trong ba luật trên hay phải gộp cả ba cũng là một trong những vướng mắc khiến chủ đầu tư, nhà đầu tư bối rối.