Luật Kinh doanh bất động sản 2023 đã siết chặt việc phân lô bán nền tại 105 thành phố, thị xã, tăng 81 địa phương so với quy định hiện hành.
Thông tin trên được Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết tại báo cáo gửi Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề, chất vấn lĩnh vực xây dựng.
Bộ trưởng cho biết Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 đã quy định chặt chẽ hơn việc chủ đầu tư kinh doanh quyền sử dụng đất trong dự án bất động sản. Cụ thể, luật quy định không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở, tự phân lô bán nền trong khu vực các phường, quận, thành phố của đô thị loại đặc biệt, loại I, II và III.
Như vậy, quy định mới sẽ cấm phân lô bán nền tại 105 thành phố, thị xã, tăng thêm 81 địa phương so với quy định hiện hành. Với những khu vực còn lại, UBND cấp tỉnh sẽ quyết định khu vực chủ đầu tư có thể phân lô tách thửa và chuyển nhượng cho cá nhân tự xây nhà ở.
Trong khi đó, Luật hiện hành chỉ ngăn chặn phân lô, bán nền tại các phường của các đô thị loại đặc biệt và đô thị loại I trực thuộc Trung ương; khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị; mặt tiền các tuyến đường cấp khu vực trở lên và các tuyến đường cảnh quan chính trong đô thị.
“Quy định mới sẽ tạo điều kiện cho các địa phương chủ động và kiểm soát hiệu quả hơn việc phân lô bán nền”, Bộ trưởng Xây dựng cho biết.
Theo lãnh đạo Bộ, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 cũng hoàn thiện quy định về việc công khai thông tin về dự án. Theo đó, việc công khai thông tin là điều kiện bắt buộc khi kinh doanh bất động sản. Các quy định về xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống thông tin nhà ở cũng bảo đảm kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử.
“Đây sẽ là công cụ ngăn chặn tình trạng ‘bong bóng’ bất động sản, đầu cơ, đẩy giá, gây nhiễu loạn thông tin thị trường”, Bộ trưởng nhận định.
Cùng đó, Cổng thông tin công khai Quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã được hoàn thành xây dựng. Cổng thông tin này tập hợp và công khai gần 2.700 đồ án quy hoạch xây dựng và đô thị, đang từng bước chuyển đổi sang định dạng GIS (hệ thống thông tin địa lý). Đây sẽ là kênh thông tin quan trọng để minh bạch hóa thị trường bất động sản.
Về nhiệm vụ triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá việc giải ngân vẫn còn chậm. Đến nay, các ngân hàng mới giải ngân cho 8 dự án nhà ở xã hội với số vốn khoảng 640 tỷ đồng, chưa đến 1%. Hiện cũng chỉ có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay với nhu cầu vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Còn 59 dự án đã khởi công nhưng chưa được đưa vào danh mục đủ điều kiện vay.
Việc giải ngân chậm, theo Bộ trưởng, do một số chủ đầu tư không đủ điều kiện về tín dụng. Ngân hàng Nhà nước đã hai lần hạ lãi suất, còn 8% với chủ đầu tư và 7,5% với người mua nhà nhưng lãi suất cao, thời hạn ưu đãi lại ngắn, trong vòng 3-5 năm nên “chưa thực sự thu hút người vay”.
Bộ trưởng cho biết cuối tháng 4, Bộ Xây dựng đã có hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện và tiêu chí vay ưu đãi. Một số đã được cắt giảm như điều kiện về bồi thường giải phóng mặt bằng, cấp phép xây dựng, giúp chủ đầu tư sớm được công bố danh mục vay vốn để tiếp cận với gói tín dụng 120.000 tỷ.
Ngọc Diễm