Cho rằng giá nhà đất tăng mạnh vừa qua có sự tham gia của nhóm đầu cơ, Bộ Xây dựng đề xuất đánh thuế người sở hữu nhiều bất động sản.
Đề xuất trên được Bộ Xây dựng nêu trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về nguyên nhân bất động sản tăng giá Cơ quan này cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời. Bộ Tài chính được yêu cầu cùng nghiên cứu, tham mưu chính sách thuế với nhà đất thứ hai hoặc bỏ hoang, không sử dụng.
Đề xuất của Bộ Xây dựng đưa ra trong bối cảnh giá bất động sản, nhà ở liên tục tăng mạnh từ đầu năm đến nay. Trong văn bản gửi các địa phương trước đó, Bộ cho biết một số phiên đấu giá đất huyện ven gần đây có giá trúng cao gấp nhiều lần khởi điểm. Điều này làm ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế – xã hội và sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.
Tại Hà Nội, giá chung cư ở một số dự án hay nhà riêng lẻ tại các khu vực Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoài Đức… cũng tăng cao “bất thường” so với tình hình thị trường và nhu cầu người dân. Báo cáo quý II của Bộ cho thấy giá chung cư tăng khoảng 5-6,5% so với ba tháng đầu năm. Đà tăng mạnh 28-33% tập trung ở một số dự án cũ, hoạt động nhiều năm. Thậm chí, một số khu tái định cư cũng tăng giá 20% theo năm. Một số dự án căn hộ mở bán mới ở Hà Nội thời gian qua có giá từ 55 triệu đồng một m2.
Tuy nhiên, giá chung cư leo thang được Bộ Xây dựng đánh giá “chỉ xảy ra trong một giai đoạn ngắn” và có dấu hiệu chững lại vào cuối quý II. Bởi lượng giao dịch chung cư và nhà ở riêng lẻ đã sụt giảm 30% so với đầu năm, do nền giá cao và người mua giữ tâm lý chờ đợi.
Báo cáo Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng cho biết nhân tố góp phần đẩy giá nhà tăng cao thời gian qua có sự “góp mặt” của một số chủ đầu tư, nhóm nhà đầu tư, đầu cơ và môi giới bất động sản. Phân tích các phiên đấu giá có mức trúng trên trăm triệu một m2, cơ quan này cho rằng nhiều hội nhóm đầu tư chuyên tham gia đấu giá rồi bán ngay để kiếm lời. Ngoài khu vực đấu giá, đông môi giới trực chờ kết quả, sẵn sàng chào mua, bán đất với giá chênh 200-500 triệu đồng một lô. Việc mua đi bán lại nhiều lô đất nhằm thu lợi bất chính diễn ra phổ biến, thậm chí mang tính tổ chức, làm tăng mặt bằng giá đất, nhà ở xung quanh.
Tại các dự án bất động sản, giá nhà ở bị một số sàn và môi giới đẩy lên cao để thu “tiền chênh”. Bộ cho biết chi phí hoa hồng các chủ đầu tư bỏ ra cho sàn giao dịch khoảng 3% giá bán. Tuy nhiên, bên sàn và môi giới thường “cộng thêm giá” khi giao dịch với khách hàng. Số tiền chênh này không cố định mà phụ thuộc sức nóng của thị trường, có thể 5-20% giá bán.
Cơ quan này dẫn chứng tại một dự án thấp tầng ở tỉnh Hưng Yên, vào thời điểm thị trường sôi động, ngoài giá bán của chủ đầu tư khoảng 7-8 tỷ đồng một căn, khách mua còn phải trả thêm tiền chênh khoảng 750 triệu đồng, tương đương 10%. Tuy nhiên, khi thị trường hạ nhiệt, khoản chênh này cũng giảm xuống còn 250 triệu đồng.
Giao dịch nhà ở thứ cấp cũng bị đẩy giá do hoạt động môi giới, trung gian. Theo cơ quan quản lý, một căn chung cư bán khoảng 5 tỷ đồng, môi giới có thể “gửi giá” thêm 200-300 triệu đồng tương đương 5%. Tương tự với căn liền kề giá khoảng 10 tỷ, mức cộng chênh lên đến 500 triệu đồng. Trong khi phí hoa hồng cho mỗi giao dịch thường chỉ 1% giá bán.
Vào giai đoạn thị trường sốt nóng, nhiều môi giới còn sử dụng chiêu bài đặt cọc mua nhà, đất ở của người bán rồi tăng giá 10-15% rồi tiếp tục rao bán. Ví dụ, căn chung cư có giá 5 tỷ đồng, môi giới chỉ cần cọc 1 tỷ để mua, thỏa thuận thanh toán trong một tháng. Trong thời gian này, môi giới kiếm khách để bán chênh thành 6-7 tỷ đồng.
Cùng đó, một số chủ đầu tư cũng góp phần đẩy giá nhà ở bằng cách “đưa ra giá chào bán cao”, nâng mức lợi nhuận kỳ vọng cao hơn mức trung bình các dự án bất động sản. Tại khu vực chỉ có số ít, thậm chí một dự án mở bán, chủ đầu tư có thể nâng giá để thu lợi, do không có cạnh tranh và giá tham chiếu.
“Chính các hoạt động của hội nhóm đầu cơ, sàn giao dịch, môi giới và một số chủ đầu tư là một phần nguyên nhân đẩy giá bất động sản, nhà ở thời gian qua”, Bộ Xây dựng kết luận trong báo cáo.
Thực tế, đây không phải lần đầu giải pháp đánh thuế bất động sản thứ hai được nêu nhằm hạ giá nhà. Mới đây, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng đề xuất chính sách thuế bất động sản áp cho hai đối tượng, gồm người mua căn nhà thứ hai trở lên và chủ sở hữu bỏ hoang dự án. Mức thuế sẽ tăng dần với giao dịch mà người bán có thời gian sở hữu ngắn.
Tháng 8/2023, cử tri TP HCM tiếp tục đề nghị đánh thuế với nhà thứ hai và áp thuế cao hơn với nhà đất bỏ trống, không thu được giá trị từ đất. Bộ Tài chính cho biết đã nghiên cứu xây dựng dự án Luật Thuế bất động sản, dự kiến bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Hiện các đề xuất này vẫn dừng lại ở dự kiến.
Ngọc Diễm