Nhận định trên được bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam nêu tại sự kiện báo cáo thị trường bất động sản quý II, sáng 8/7. Bà Dung cho rằng từ 1/7, sự hợp nhất ba địa phương không chỉ đa dạng hóa sản phẩm, tăng nguồn cung mà còn giúp hạ nhiệt phần nào giá bất động sản nhờ kéo giãn mức trung bình.
Theo báo cáo của CBRE, trong quý II, giá căn hộ tại khu lõi TP HCM (phần địa giới cũ) đạt trung bình 82 triệu đồng mỗi m2, tăng 7% so với quý trước và 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Các dự án mở bán mới ghi nhận mức giá tăng trung bình 10-13% so với giai đoạn trước.
Trong khi đó, Bình Dương, địa phương vừa sáp nhập, lại có nguồn cung dồi dào. Sáu tháng đầu năm, thị trường này có gần 8.300 căn hộ mới, cao gấp 6 lần TP HCM. Giá sơ cấp chung cư Bình Dương chỉ khoảng 38 triệu đồng mỗi m2, bằng một nửa đến một phần ba so với TP HCM (cũ).
Từ nay đến cuối năm, dự kiến TP HCM sẽ có thêm 6.000-8.000 sản phẩm nhà ở, trong đó khoảng 70% đến từ các khu vực mới sáp nhập là Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Chuyên gia CBRE nhận định, với giá nhà ngoại thành thấp hơn trung tâm từ 50-80% và nguồn cung dồi dào, thị trường vùng ven sẽ góp phần kéo dãn và kìm hãm tốc độ tăng giá bất động sản thành phố.
Bên cạnh đó, hai địa phương mới sáp nhập vào thành phố cũng đang phát triển loạt dự án quy mô lớn, dưới dạng đô thị đa chức năng, nằm cách vùng lõi trung tâm khoảng 20-30 km. Dự kiến sau khi hoàn thành các tiện ích đô thị, hạ tầng kết nối, các đô thị này sẽ thúc đẩy nhu cầu dãn dân, hạ nhiệt nguồn cung và giá cho thị trường thành phố.
Bất động sản khu Đông TP HCM với các dự án chung cư, nhà phố, đất nền. Ảnh: Quỳnh Trần
Đồng quan điểm, ông Võ Hồng Thắng, Phó tổng giám đốc DKRA Consulting, cho biết trong 5 tháng đầu năm, Bình Dương chiếm 48-55% tổng nguồn cung căn hộ sơ cấp toàn vùng phía Nam. Giá bán trung bình căn hộ Bình Dương hiện từ 38-40 triệu đồng mỗi m2, thấp hơn 50-70% so với TP HCM. Việc góp mặt bằng giá của các địa phương lân cận vào TP HCM sẽ giúp làm mềm giá nhà trung bình của toàn đô thị.
Theo ông Thắng, khi mở rộng địa giới hành chính cũng đồng nghĩa với TP HCM mở rộng quỹ đất phát triển, tạo động lực giãn dân khỏi vùng lõi và giải bài toán khan hiếm nguồn cung. “Một khi cơn khát nhà ở tại TP HCM được giải quyết, đà tăng giá cũng sẽ được kìm lại theo quy luật cung – cầu”, ông Thắng nói.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các chuyên gia cũng cảnh báo nhiều khả năng mặt bằng giá tại các khu vực vừa sáp nhập có thể tăng nhanh trong những năm tới nhờ danh tiếng của “siêu đô thị”. Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, nhận định việc “chung một nhà” với TP HCM đang cải thiện rõ rệt tâm lý người mua tại Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu. Các khu vực như Dĩ An, Thuận An, nơi giáp ranh TP HCM có thể đón làn sóng tăng giá do vị trí thuận lợi và còn nhiều dư địa phát triển.
Ông Quang cho rằng hai khu vực này có mật độ dân cư cao, nhiều khu công nghiệp và nhu cầu ở thực lớn khi sóng dãn dân từ vùng lõi đổ về. Dù vậy, tốc độ tăng sẽ vào khoảng trên dưới 15%, khó có sự bức tốc trong ngắn hạn do Bình Dương vẫn là trung tâm của phân khúc căn hộ trung cấp, nhu cầu ở tại đây phục vụ nhóm ở thực và lao động trẻ.
Chung nhận định, bà Dương Thùy Dung đánh giá quỹ đất mở rộng sẽ thúc đẩy phát triển đô thị vệ tinh, giúp TP HCM mới xây dựng các khu đô thị hiện đại. Một khi làn sóng dãn dân từ trung tâm đổ về, yêu cầu chất lượng nhà ở sẽ bị đẩy cao hơn, kéo theo các thị trường Bình Dương mở rộng phát triển nhiều hơn những dự án xây dựng có dịch vụ tiện ích và tiêu chuẩn sống cao hơn. Điều này đồng nghĩa giá bán các khu vực này có thể tăng theo sự thay đổi mặt bằng sản phẩm.
Ngoài ra, một khi sáp nhập vào TP HCM, hạ tầng giao thông, từ đường bộ đến đường thủy, cảng biển sẽ được đồng bộ, nâng cao khả năng liên kết vùng và hiệu quả kinh tế, thương mại. Đây là các yếu tố hỗ trợ thị trường bất động sản vùng ven tăng trưởng.
Dự báo về giá nhà của thị trường TP HCM sau sáp nhập trong 3 năm tới, bà Dung cho rằng giá sẽ tiếp tục tăng, nhưng ở mức hợp lý hơn, khoảng 9-11% với căn hộ và 6-12% với nhà liền thổ. Mức tăng này được nhận định là phù hợp trong bối cảnh chi phí phát triển dự án leo thang và tiền sử dụng đất nhiều khả năng sẽ còn tăng theo bảng giá đất mới điều chỉnh hàng năm.
Phương Uyên