Giá thuê kho xưởng công nghiệp Việt Nam tăng 70% sau 6 năm


Thông tin trên được hãng dịch vụ bất động sản Cushman & Wakefield nêu trong báo cáo Tọa độ động lực công nghiệp toàn cầu 2025.

Hãng cho biết từ năm 2019 đến nay, giá thuê bất động sản logistics (gồm nhà xưởng, kho bãi xây sẵn chuyên để lưu trữ, vận chuyển và phân phối hàng hóa) toàn cầu đã tăng khoảng 41%. Mức tăng bình quân tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương là 25%, nhưng có sự phân hóa rõ rệt giữa các thị trường.

Theo đó, Việt Nam và Australia lọt nhóm có đà tăng giá thuê kho xưởng công nghiệp mạnh nhất, khoảng 70% sau 6 năm, trong khi Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan và Trung Quốc gần như biến động đáng kể.

Riêng năm ngoái, tăng trưởng giá thuê kho bãi tại Việt Nam đạt khoảng 7%, đứng thứ 13 nhóm thị trường được khảo sát trên toàn cầu về tốc độ tăng, chỉ sau Philippines trong số các nước châu Á – Thái Bình Dương. Trong khi đó, Thái Lan xếp thứ 27 với đà tăng khoảng 3%. Còn giá thuê tại Trung Quốc hạ gần 5%.

Theo Cushman & Wakefield, giá thuê kho xưởng công nghiệp bình quân tại Hà Nội khoảng 5,3 USD, TP HCM 4,9 USD mỗi m2 một tháng.

Đà tăng giá loại hình bất động sản này của Việt Nam cũng được nhiều đơn vị nghiên cứu ghi nhận. Hãng dịch vụ địa ốc CBRE cho biết hết quý I, giá thuê kho xưởng xây sẵn ở phía bắc tăng 2,3-2,6%, phía nam 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Với đất công nghiệp, mức thuê tại các thị trường như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên đắt thêm 3,7% so với cùng kỳ.

Lý giải diễn biến trên, Cushman&Wakefield cho biết những năm qua, nhu cầu thuê bất động sản công nghiệp tăng mạnh trên toàn cầu, trong khi nguồn cung hạn chế đã đẩy giá lên cao ở nhiều khu vực. Nhiều thị trường chứng kiến mức thuê tăng kỷ lục, như Thổ Nhĩ Kỳ tới 90% (chủ yếu do lạm phát cao) hay Mỹ 57%.

Tại Việt Nam, theo bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao CBRE Hà Nội, đà tăng được thúc đẩy bởi lực hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), sản xuất. Theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 2% trong quý I. Trong khi đó, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 11 tỷ USD trong quý đầu năm, tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng vốn ngoại đổ vào bất động sản đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng 46% so với cùng kỳ.

“Điều này thúc đẩy diễn biến tích cực tại thị trường cho thuê bất động sản công nghiệp tại các địa phương trọng điểm, vốn có lợi thế vị trí, cơ sở hạ tầng cải thiện”, bà An cho hay.






Một khu công nghiệp tại Nhơn Trạch, Đồng Nai. Ảnh: Quỳnh Trần

Dù tăng nhanh, mặt bằng giá thuê bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn được đánh giá cạnh tranh trong khu vực. Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, nhìn nhận chi phí thuê bất động sản, nhân công và năng lượng ở mức thấp giúp Việt Nam trở thành một trong những điểm đến có chi phí cạnh tranh nhất toàn cầu cho đầu tư công nghiệp và logistics.

Theo bà, mặt bằng giá thuê kho xưởng công nghiệp ở Việt Nam dưới 5 USD mỗi m2 một tháng, cùng nhóm với nhiều trung tâm sản xuất thế giới như Ấn Độ, Thái Lan, Lagos hay Nigeria. Chi phí lao động hiện chưa đến 25% mức lương trung bình toàn cầu, lọt nhóm nước có chi phí nhân công thấp nhất châu Á – Thái Bình Dương. Ngoài ra, Việt Nam ghi điểm về chi phí điện cho sản xuất công nghiệp ở mức thấp, chỉ cao hơn Indonesia và Nigeria. Trong khi nhu cầu sử dụng điện trong các kho vận hiện đại ngày càng tăng, khiến chi phí vận hành trở thành một yếu tố quan trọng trong bài toán đầu tư.

Tuy nhiên, chuyên gia cũng lưu ý môi trường kinh doanh hiện chịu nhiều yếu tố khó lường. Các doanh nghiệp đầu tư bất động sản công nghiệp cần định hướng chiến lược dài hạn, ưu tiên giải pháp thích ứng linh hoạt và duy trì hiệu quả cho cả chu kỳ biến động.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Hoài An khuyến nghị chủ đầu tư kho xưởng công nghiệp nên áp dụng phương án cho thuê linh hoạt, tích hợp công năng sử dụng hỗn hợp và hỗ trợ khách hàng trong hoàn thiện thủ tục, giấy phép để tăng khả năng cạnh tranh.

Trong ba năm tới, Cushman&Wakefield dự báo nhu cầu với loại hình bất động sản này vẫn triển vọng ở nhiều khu vực. Nhu cầu này đến từ các lĩnh vực như thương mại điện tử, phân phối bán lẻ và sản xuất công nghiệp. Tại châu Á – Thái Bình Dương, ngành ôtô và công nghệ cao như sản xuất chất bán dẫn có thể ảnh hưởng sâu rộng đến nhu cầu thuê mặt bằng.

Ngọc Diễm – Phương Uyên





Nguồn Vnexpress

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *