Hà Nội, TP HCM thu tiền sử dụng đất giảm hàng nghìn tỷ đồng, không đạt dự toán năm 2023, theo Bộ Tài chính.
Báo cáo kết quả thực hiện ngân sách năm 2023 gửi Quốc hội, Bộ Tài chính cho biết số thu tiền sử dụng đất đạt 153.500 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 2,3% so với dự toán và báo cáo Quốc hội. Lý do là nhiều địa phương đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, hoàn tất thủ tục đấu giá đất, thu hồi nợ đọng của các dự án. Trong đó, ba địa phương tăng thu tiền sử dụng đất hơn nghìn tỷ là Nghệ An (tăng gần 3.300 tỷ đồng), Thái Nguyên (hơn 1.400 tỷ) và Hà Nam (gần 1.100 tỷ). Nhiều địa phương cũng tăng thu ngân sách so với báo cáo Quốc hội là Huế, Quảng Nam, Kiên Giang, Tây Ninh…
Tuy nhiên, theo báo cáo, hai đô thị lớn nhất là TP HCM và Hà Nội đều không đạt dự toán, giảm thu tiền sử dụng đất lần lượt 6.900 tỷ đồng và 2.000 tỷ đồng. Nhiều địa phương khác cũng giảm số thu tiền sử dụng đất so với năm 2022 như Quảng Ninh, Bắc Ninh, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Phước…
Nguyên nhân được Bộ nêu là thị trường bất động sản vẫn chưa phục hồi, hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Việc duyệt dự án đấu thầu, đấu giá, giải phóng mặt bằng còn vướng mắc. Nhiều địa phương còn đùn đẩy trách nhiệm, công tác chuẩn bị đầu tư chưa chủ động.
Về cho thuê đất, báo cáo nêu tổng thu ngân sách tăng khoảng 20.000 tỷ đồng, do các địa phương đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho thuê. Một số dự án tăng đột biến số thu cho thuê đất như Khu công nghiệp VSIP III Bình Dương (tăng 5.500 tỷ đồng), Khu công nghiệp Becamex – Bình Phước (2.300 tỷ đồng), dự án cáp treo Hòn Thơm – Kiên Giang (935 tỷ đồng) hay trung tâm thương mại Aeon Hạ Long – Quảng Ninh (770 tỷ đồng).
Trong 4 tháng đầu năm nay, báo cáo cho biết các khoản thu ngân sách về nhà, đất mới đạt gần 26%, khá thấp so với dự toán. Tuy nhiên mức này vẫn tăng trưởng 74% so với cùng kỳ do một số địa phương tổ chức tốt công tác đấu giá đất. Nhiều dự án được giao đất từ cuối năm 2023 đã phát sinh thu nộp ngân sách đầu năm nay như dự án Vinhomes Vũ Yên – Hải Phòng (khoảng 5.600 tỷ đồng), Ecopark – Nghệ An (1.000 tỷ) hay dự án Phố Mới – Hưng Yên (700 tỷ).
Thẩm tra báo cáo, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho biết 2023 là năm thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn. Dù thu tiền sử dụng đất tăng 3.500 tỷ đồng so với dự toán và số báo cáo Quốc hội, mức này giảm nhiều so với năm 2022. Cơ quan này đề nghị làm rõ nguyên nhân số thu từ cho thuê đất, thuê mặt nước tăng hơn 20.000 tỷ đồng, vượt khá lớn (hơn 82%) so với dự toán.
Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý các nguồn thu từ đất đai, sớm ban hành hướng dẫn Luật Đất đai sửa đổi, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư.
Ngọc Diễm