Trong báo cáo mới đây, công ty dịch vụ bất động sản DKRA cho biết nguồn cung phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng có dấu hiệu cải thiện cục bộ ba tháng đầu năm.
Quý I, toàn thị trường có hơn 10.671 sản phẩm sơ cấp (hàng chủ đầu tư) mở bán, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó rổ hàng mới tập trung ở phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng với hơn 150 căn, tăng 57% so với quý I/2024. Khu vực miền Trung và miền Nam tiếp tục dẫn dắt nguồn cung với tổng tỷ trọng hơn 76%.
Phân khúc nhà phố nghỉ dưỡng ghi nhận hơn 3.500 sản phẩm sơ cấp, tăng 18% so cùng kỳ song chủ yếu đến từ lượng hàng tồn kho của dự án cũ. Tương tự, phân khúc căn hộ du lịch (condotel) có dấu hiệu tăng nhẹ song phần lớn là hàng tồn kho tiếp tục được mở bán.
Lượng tiêu thụ cả ba phân khúc được DKRA ghi nhận hơn 623 căn, gấp gần 4 lần cùng kỳ. Tỷ lệ hấp thụ cải thiện ở phân khúc condotel và biệt thự nghỉ dưỡng, dao động 6-10%, trong khi đầu năm ngoái chỉ khoảng 1-3%. Tuy nhiên giao dịch chỉ tập trung cục bộ tại những dự án mới mở bán, pháp lý hoàn thiện, tiến độ thi công đảm bảo, giá dưới 10 tỷ đồng một căn biệt thự và dưới 3 tỷ với condotel.
Diễn biến trên cũng được một số đơn vị nghiên cứu thị trường ghi nhận. Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng mở bán mới trong quý I tăng gấp 2,4 lần theo quý và gần 3 lần theo năm. Riêng một dự án thấp tầng ở tỉnh Khánh Hòa đã chiếm hơn một nửa rổ hàng mở bán mới trong quý. Dù vậy, nguồn cung trên mới chỉ bằng 18% so với cùng kỳ năm 2022.
Bất động sản nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông
Ông Võ Hồng Thắng, Phó tổng giám đốc DKRA Group, cho biết bất động sản nghỉ dưỡng đã phục hồi nhẹ ở một số khu vực so với giai đoạn thị trường “đóng băng” từ 2023 đến nửa đầu 2024, đến nay. Đà tăng nguồn cung được thúc đẩy bởi sự phục hồi của thị trường bất động sản và ngành du lịch.
Theo báo cáo của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, ba tháng đầu năm 2025, Việt Nam đón hơn 6 triệu lượt khách quốc tế, đạt mức cao nhất từ trước đến nay tính theo quý. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 21.500 tỷ đồng, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài Hà Nội và TP HCM, các địa phương như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Kiên Giang đều có doanh thu, lượng du khách tăng trưởng ấn tượng. Đây cũng là những thị trường có nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng lớn trong nhiều năm qua.
Dù vậy, đà phục hồi chỉ diễn ra ở số ít địa phương. Ông Thắng cho rằng phân khúc này vẫn gặp rào cản lớn đã kéo dài nhiều năm, gồm vấn đề pháp lý và hiệu quả đầu tư khai thác. Cùng với đó, nhiều dự án không đảm bảo tiến độ, thậm chí bỏ hoang do thiếu vốn dù ngành du lịch dần khởi sắc. Điều này khiến niềm tin của nhà đầu tư chưa thể phục hồi trong ngắn hạn.
“Đa số các dự án nghỉ dưỡng cũ vẫn trong cảnh bán hàng chậm hoặc không có giao dịch do đóng giỏ hàng”, ông Thắng nói.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, cho biết nhiều dự án tồn kho dù mở bán lại vẫn khó giao dịch bởi giá bán neo cao trong khi sản phẩm không có nhiều cải tiến. Rổ hàng này khi tung ra thị trường phải cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm thứ cấp có giá thấp hơn. “Nhà đầu tư ngày càng thận trọng và chỉ sẵn sàng xuống tiền với dự án có chủ đầu tư uy tín, pháp lý rõ ràng”, ông Đính cho hay.
Năm nay, các chuyên gia dự báo phân khúc căn hộ nghỉ dưỡng có thể cải thiện về nguồn cung và lực cầu với tốc độ chậm. Lượng cung dự kiến tương đương năm ngoái, dao động 2.500-3.000 căn, tập trung ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ninh, Hòa Bình và Bình Thuận.
Theo ông Võ Hồng Thắng, chủ đầu tư vẫn có xu hướng định giá condotel ở ngưỡng cao do chi phí đầu vào tăng. Tuy nhiên, họ sẽ tích cực áp dụng các chính sách chiết khấu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc… nhằm kích cầu.
Ngọc Diễm