Cuối tháng 4, ông Nguyễn Thanh Bách, nhà đầu tư đến từ Hà Nội, đã chi hơn 3,8 tỷ đồng để mua hai lô đất thổ cư tại xã Phước An (Nhơn Trạch). Ông cho biết thời điểm đó, giá đất Nhơn Trạch đã giảm khoảng 10% so với tháng 3, phù hợp với kế hoạch tài chính đã chuẩn bị từ trước.
Ông Bách cho rằng hiện tượng bỏ cọc chủ yếu đến từ nhóm lướt sóng theo tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội), vốn không thực sự có ý định mua đất mà chỉ đặt cọc rồi sang nhượng. Còn với những nhà đầu tư đã xuống tiền, kỳ vọng chính vẫn là tiềm năng dài hạn, nên không xuất hiện tình trạng bán tháo.
“Tôi không tham gia lúc thị trường nóng mà đợi giá hạ mới mua vào. Mục đích đầu tư dài hạn, tôi cho rằng đây là thời điểm tốt để tích lũy tài sản tại khu vực tiềm năng như Nhơn Trạch,” ông Bách nói.
Tương tự, bà Mai Hương, nhà đầu tư đến từ TP HCM, vừa rót vốn vào một dự án căn hộ chung cư tại xã Hiệp Phước. Bà cho biết đây là kế hoạch được tính toán kỹ để đầu tư đón đầu nhu cầu thuê nhà từ đội ngũ chuyên gia làm việc tại các khu công nghiệp lân cận. “Dù sáp nhập hay không, tiềm năng kinh tế của Nhơn Trạch vẫn rất đáng đầu tư dài hạn,” bà chia sẻ.
Theo ghi nhận của VnExpress từ nhiều sàn môi giới địa phương, sau đợt nóng sốt ngắn, thị trường hiện giao dịch trầm lắng hơn nhưng không đóng băng. Nhu cầu mua vẫn xuất hiện, chủ yếu tập trung vào các sản phẩm có pháp lý đầy đủ, vị trí tốt và giá hợp lý.
Anh Phạm Văn Thành, Giám đốc Sàn giao dịch nhà đất Nhơn Trạch, thông tin hơn 90% các giao dịch bán tháo, thoát hàng trong tháng vừa qua rơi vào nhóm nhà đầu tư lướt cọc. Trong khi nhóm mua bán có công chứng, tức giao dịch thực, vẫn giữ nhịp ổn định. “Nhà đầu tư quan tâm đất thổ cư, nhà riêng và căn hộ có giá trên dưới 2 tỷ đồng. Chỉ các sản phẩm tài chính lớn như nhà phố thương mại, biệt thự thì sức mua yếu,” anh nói.
Thị trường bất động sản Nhơn Trạch. Ảnh: TLR
Dữ liệu của Batdongsan cho thấy trong 4 tháng đầu năm, nhu cầu tìm mua nhà đất tại Nhơn Trạch tăng mạnh nhất trong hai năm qua, bình quân 40-50% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, lượng tìm kiếm tăng vọt trong tháng 3 rồi giảm khoảng 30% trong tháng 4, sau khi tin đồn sáp nhập tỉnh (đồn Nhơn Trạch nhập về TP HCM) hạ nhiệt. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, mức quan tâm vẫn tăng 20%. Xét về giá, so với tháng 3, giá đất Nhơn Trạch giảm tầm 15% nhưng vẫn cao hơn từ 10-12% so với cùng kỳ 2023.
Báo cáo từ DKRA Group cũng chỉ ra trong tháng 4, giá và giao dịch bất động sản Nhơn Trạch đã ổn định trở lại, không còn tình trạng sốt nóng nhưng hoạt động mua bán vẫn diễn ra tích cực ở nhóm nhu cầu thực. Hiện nay, giá bán căn hộ trung bình từ 33-41 triệu đồng mỗi m2, đất nền từ 9-25 triệu đồng/m2, tăng nhẹ 5-7% so với cùng kỳ 2024.
Lý giải yếu tố khiến nhà đất Nhơn Trạch không rơi vào kịch bản “đóng băng” như các thị trường khác sau cơn sốt sáp nhập tỉnh, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan, cho biết thị trường nhà đất nơi đây có sự phân hóa rõ nét giữa hai nhóm đầu cơ lướt sóng và đầu tư dài hạn. Đợt sốt đất tháng 3 vừa qua chủ yếu đến từ nhóm đầu cơ theo hình thức lướt cọc – tức đặt cọc rồi sang nhượng lại, không ký hợp đồng mua bán chính thức. Sau khi cơn sốt qua đi, nhóm này bỏ cọc và gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý chung của thị trường.
Ngược lại, xét về giao dịch thực, tức có công chứng hợp đồng mua bán, phần lớn đến từ nhóm đầu tư dài hạn, chủ yếu đầu tư vì tiềm năng hạ tầng giao thông. Yếu tố then chốt khiến nhóm này mua bất động sản không nằm ở các tin đồn hành chính, mà ở hệ thống hạ tầng đang từng bước thành hình, cùng với vị trí chiến lược của khu vực này trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
“Đây là lực cầu thực và chiếm tỷ trọng chính trong các giao dịch hiện nay, giúp nhà đất Nhơn Trạch không rơi vào tình trạng đóng băng”, ông Tuấn cho hay.
Đồng tình, ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Asia New Time, cho rằng hạ tầng chính là “điểm tựa tâm lý” giúp thị trường này hút giới đầu tư đường dài. Theo ông, Nhơn Trạch chỉ cách TP HCM một con sông, khả năng kết nối hai địa phương này sẽ sớm được thúc đẩy thông qua các dự án cầu lớn như cầu Cát Lái. Ngay cả khi không có việc sáp nhập về TP HCM, bất động sản tại Nhơn Trạch vẫn không phải là kênh đầu tư rủi ro, nhờ hạ tầng giao thông khu vực đang phát triển mạnh cùng với các khu công nghiệp lớn hoạt động hiệu quả.
Ông Nguyễn Duy Hà, Giám đốc phát triển dự án Thang Long Real Group, nhận định tốc độ đô thị hóa và sự dịch chuyển dân cư đang diễn ra rõ rệt tại Nhơn Trạch. Từ một khu vực chủ yếu phục vụ đầu tư, nơi đây bắt đầu ghi nhận sự quan tâm từ người mua ở thực, đặc biệt là các chuyên gia, kỹ sư làm việc trong 10 khu công nghiệp lớn đang hoạt động tại địa phương. Điều này góp phần khiến nhà đầu tư có niềm tin vào tiềm năng trung, dài hạn của khu vực, qua đó hình thành nhu cầu nhà ở thật, tạo nền tảng ổn định cho thị trường Nhơn Trạch,
Dù triển vọng được đánh giá cao, Nhơn Trạch vẫn tồn tại một số rủi ro, nhất là với các dự án nằm trong quy hoạch nhưng chưa có cư dân về ở. Những khu đô thị “sáng đèn ít” dễ khiến nhà đầu tư chôn vốn nếu thiếu kiên nhẫn. Ngoài ra, với một số dự án từng bị đẩy giá cao trong các đợt sốt đất trước, hiện vẫn trong quá trình điều chỉnh về giá thực nên nhà đầu tư cần xem xét kỹ trước khi xuống tiền.
Chuyên gia cũng khuyến nghị nhà đầu tư khi mua đất tại đây nên ưu tiên sản phẩm có pháp lý rõ ràng, vị trí tốt, chủ đầu tư uy tín và tránh chạy theo tâm lý đám đông.
Phương Uyên