Phó thủ tướng yêu cầu khắc phục lệch pha, thổi giá bất động sản

Ngoài giải pháp và hỗ trợ từ Chính phủ, Phó thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp địa ốc có trách nhiệm khắc phục lệch pha cung cầu, thổi giá bất động sản.

Thời gian qua, thị trường bất động sản chịu ảnh hưởng của tình hình kinh tế trong nước và thế giới, nhất là sau đại dịch, cũng như những kẽ hở, yếu kém trong quản lý vốn, đất đai…

Tại cuộc họp Tổ công tác của Thủ tướng ngày 11/3, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá những khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều ngành nghề như ngân hàng, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng.





Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp ngày 11/3. Ảnh: VGP

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp ngày 11/3. Ảnh: VGP

Cùng quan điểm, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng tình trạng đầu cơ và thổi giá của bất động sản sẽ khiến thị trường khó tiêu thụ sản phẩm, không luân chuyển được dòng vốn, dẫn tới ngân hàng khó thu hồi nợ.

Trước diễn biến trên, theo Phó thủ tướng, thời gian qua, Chính phủ luôn tìm giải pháp tháo gỡ cho thị trường này, trong đó đã sửa đổi các luật liên quan, chuẩn bị ban hành văn bản hướng dẫn. Ông khẳng định Nhà nước sẽ “làm hết sức, nỗ lực lớn” để giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền, trách nhiệm.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng cho rằng doanh nghiệp bất động sản cũng phải có trách nhiệm khắc phục “nghịch lý” thừa phân khúc cao cấp, thiếu sản phẩm dành cho người thu nhập trung bình và thấp. Cùng đó, tình trạng “thổi giá, đẩy giá” cũng cần nhà đầu tư, doanh nghiệp giải quyết để cung cầu trên thị trường gặp nhau.

Hiện trên thị trường gần như không có dự án phân khúc căn hộ bình dân (giá dưới 25 triệu đồng một m2). Dữ liệu của Savills cho thấy cứ 100 căn hộ mới được bán tại Hà Nội trong năm 2023, chỉ có ba căn giá dưới hai tỷ đồng. Phần lớn dự án mới ra mắt năm ngoái từ phân khúc trung và cao cấp trở lên. Tính trên tổng nguồn cung mở bán mới trong năm qua, số căn hộ phân khúc cao cấp chiếm 75% tại Hà Nội và 84% tại TP HCM.

“Quan điểm rõ ràng, không né tránh, để đưa thị trường bất động sản trở lại bình thường”, ông nói, thêm rằng thị trường địa ốc lành mạnh sẽ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế – xã hội, tạo công ăn việc làm, bảo đảm quyền được tiếp cận nhà ở của người dân.

Phó thủ tướng nói các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần tính toán chi phí hợp lý, đưa ra sản phẩm nhà ở thương mại, xã hội có giá phù hợp, chất lượng với lợi nhuận hợp lý, hài hoà lợi ích với Nhà nước, người dân. Điều này, theo Phó thủ tướng sẽ góp phần phát triển lành mạnh thị trường bất động sản.

Về phía cơ quan chức năng, theo ông cần quản lý khoa học, đồng bộ để khuyến khích đầu tư, kinh doanh. Từ đó, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, tránh “bong bóng” bất động sản.

Liên quan vướng mắc sau khi Luật Đất đai, Kinh doanh bất động sản, Tổ chức tín dụng và Luật Nhà ở sửa đổi được ban hành, Phó thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng tổng kết những nhóm vấn đề, nghiên cứu phương án giải quyết trình Chính phủ, Quốc hội.

Tổ công tác của Thủ tướng cũng thống kê dự án đã được giao đất nhưng vướng về thủ tục pháp lý, xây dựng tiêu chí nhà đầu tư có năng lực, tổng kết thí điểm cho phép địa phương điều chỉnh cục bộ quy hoạch, hướng dẫn đầy đủ cho địa phương chính sách đã có về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư, xác định giá đất.

“Việc giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp, địa phương phải có địa chỉ, thời hạn cụ thể. Bộ, ngành nào chịu trách nhiệm, bao giờ hoàn thành”, Phó thủ tướng nói.

Về gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng, đại diện các ngân hàng BIDV, Agribank, Vietinbank, UBND thành phố Hà Nội cho biết khó khăn trong giải ngân là khả năng đáp ứng của chủ đầu tư về năng lực tài chính, tài sản bảo đảm, tính thanh khoản, giới hạn tỷ suất lợi nhuận của các dự án nhà ở xã hội.

Một số doanh nghiệp kiến nghị rút ngắn thời gian rà soát thủ tục pháp lý, nguồn gốc sử dụng đất dự án nhà ở xã hội, đơn giản hoá quy trình, thủ tục hành chính, nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng cho chủ đầu tư và người mua có thu nhập trung bình và thấp.

Phó Thủ tướng giao các địa phương tính toán cụ thể nhu cầu của người dân, bố trí đầy đủ quỹ đất dành cho các dự án nhà ở, cải tạo chung cư cũ. Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính được giao nghiên cứu chính sách hỗ trợ lãi suất dài hạn cho các khoản vay ưu đãi, thành lập quỹ đầu tư nhà ở xã hội từ ngân sách Nhà nước và đóng góp của doanh nghiệp và các nguồn hợp pháp khác.

Phương Dung


Nguồn vnexpress

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *