Tháo gỡ pháp lý để hút hơn 4 triệu người nước ngoài có nhu cầu mua nhà ở Việt Nam

Hiện nay đã có hơn 3.000 người nước ngoài đã có nhà ở tại Việt Nam và tiềm năng có khoảng 4 triệu người nước ngoài có nhu cầu mua, sở hữu nhà ở Việt Nam, gồm người nước ngoài, người Việt ở nước ngoài muốn về ở Việt Nam.

Tháo gỡ pháp lý để hút hơn 4 triệu người nước ngoài có nhu cầu mua nhà ở Việt Nam - Ảnh 1.
Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS.

Tại Hội thảo quốc tế “Tiềm năng phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam”, trong bài tham luận, ông Hoàng Hải, Cục trưởng, Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản đã có đề cập liên quan đến quy định người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Theo ông Hải, hiện cả nước đã có 3.035 tổ chức, cá nhân nước ngoài đã mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội (1.765), Hồ Chí Minh (850), Bắc Ninh (110), Bình Dương (210), Bà Rịa-Vũng Tàu (50),…

Từ khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực cho đến nay, số lượng cá nhân, tổ chức nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Con số này cho thấy, khi Luật Nhà ở 2014 quy định cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở với các điều kiện được mở rộng về phạm vi, đối tượng, loại nhà, số lượng nhà ở được mua…đã tạo điều kiện thuận lợi thu hút và thúc đẩy phát triển đầu tư, du lịch và dịch vụ, phát triển thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung, phù hợp với thông lệ quốc tế, thu hút dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam.

Song theo ông Hải, theo quy định tại Điều 5 của Luật Đất đai 2013 và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì cá nhân nước ngoài không thuộc đối tượng được sử dụng đất tại Việt Nam. Nghị quyết số 18-NQ/TW cũng không đề cập đến việc sử dụng đất của cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

“Do vậy, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ cho phép giữ nguyên như dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) về việc cá nhân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam (bao gồm cả nhà ở riêng lẻ và căn hộ chung cư), đồng thời Bộ Xây dựng tiếp thu ý kiến của UBTVQH bỏ quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất thuê”, ông Hải đề xuất.

Cũng tại hội thảo, GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh: “Tôi rất ủng hộ chế độ tiếp cận nhà ở của người nước ngoài làm việc tại Việt Nam”. Ông Võ lý giải rằng, một số người chỉ nghĩ đến câu chuyện điều này giúp thị trường bất động sản ở Việt Nam sẽ mở rộng hơn. Nhưng Việt Nam hiện tại rất cần một khối lượng nhân sự có trình độ cao mà một trong những nguồn phù hợp là những người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam. Để đạt được điều đó, họ phải có một cuộc sống ở đây tốt đẹp, tức là họ phải được mua nhà.

“Lần này tôi cho rằng Luật Nhà ở đã đưa ra một khung pháp luật rộng hơn trước nhưng dự thảo gần đây nhất thì lại không cho người nước ngoài được tiếp cận. Quyền sử dụng đất ở tức là được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở hay nói cách khác là chỉ bán cái xác nhà”, ông Võ đặt ra vấn đề.

Cũng theo ông Võ, dựa theo báo cáo của Bộ Xây dựng, người nước ngoài mua chủ yếu là nhà chung cư, không được mua nhà ở riêng lẻ. Bởi vì từ trước đến nay, Luật Đất đai 2013 là đã không phù hợp với Luật Nhà ở về chuyện bán nhà ở cho người nước ngoài. Đến bây giờ, dự thảo Luật Đất đai mới nhất cũng quy định, thậm chí là chỉ cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài được tiếp cận nhà ở Việt Nam, chứ còn người nước ngoài không được phép. Điều này dẫn đến người nước ngoài họ không muốn mua.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Hoàng Hải cho rằng, Luật Nhà ở cho phép người nước ngoài được quyền mua nhưng Luật Đất đai thì lại quy định người nước ngoài chỉ có quyền sử dụng còn sở hữu lại là vấn đề khác. Ở góc độ Bộ Xây dựng, tinh thần xây dựng luật là cũng mong muốn để người nước ngoài thuận lợi hơn trong mua nhà ở tại Việt Nam.

Theo ông Hải, Bộ Xây dựng cũng quy định chặt chẽ phạm vi nào người nước ngoài được mua và tỷ lệ được mua, đã có quy định và kỳ vọng sẽ tháo gỡ vấn đề này trong thời gian tới. Hiện nay đã có hơn 3.000 người nước ngoài đã có nhà ở tại Việt Nam và tiềm năng có khoảng 4 triệu người nước ngoài có nhu cầu mua, sở hữu nhà ở Việt Nam, gồm người nước ngoài, người Việt ở nước ngoài muốn về ở Việt Nam.

“Bản thân các cơ quan quản lý cũng mong muốn đối tượng có trình độ cao, các chuyên gia nước ngoài và người nước ngoài gốc Việt về Việt Nam sinh sống, làm việc, giống như muốn đón đại bàng về làm tổ nhưng hiện chưa thiết kế được tổ”, ông Hải nói.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *