Trong báo cáo thị trường quý III, đơn vị tư vấn dịch vụ bất động sản Savills cho biết giá chung cư tại Hà Nội tiếp tục leo thang ở cả dự án mới và cũ. Theo đó, mặt bằng giá dự án mới tăng 6% theo quý và 28% theo năm, đạt 69 triệu đồng một m2. Giá căn hộ mới ở TP HCM là 68 triệu đồng một m2.
Tại họp báo Chính phủ chiều 7/10, Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Việt Hùng cho biết nguyên nhân dẫn tới giá nhà tăng cao là do cầu vượt quá nguồn cung. Chi phí đầu vào tăng cao, gồm tiền sử dụng đất, cũng là lý do đẩy giá nhà tăng.
Nguyên nhân nữa, theo lãnh đạo Bộ Xây dựng là do hiện tượng thổi, đẩy giá trên thị trường. “Vừa qua, một số địa phương, gồm Hà Nội tổ chức các phiên đấu giá đất nhưng giá bị đẩy lên cao, sau đó người trúng bỏ cọc”, ông dẫn ví dụ.
Hơn một tháng qua, loạt phiên đấu giá tại các huyện ven Hà Nội gây xôn xao thị trường. Trong đó, một số cuộc thu hút hàng nghìn hồ sơ tham dự, gấp hơn chục lần số lô đất được bán ra. Tại huyện Hoài Đức, hàng trăm nhà đầu tư đã tham gia phiên đấu giá kéo dài xuyên đêm, đẩy giá hơn chục lô đất trúng với mức trên 100 triệu đồng một m2. Lô cao nhất trúng với giá hơn 133 triệu đồng một m2 – gấp 18 lần mức khởi điểm.
Trong báo cáo gửi Chính phủ cuối tháng 9, Bộ Xây dựng nhận xét hiện tượng trả rất cao một số lô rồi bỏ cọc, tạo mặt bằng giá ảo để thao túng thị trường. Ngoài ra, việc mua đi bán lại nhiều lô đất nhằm thu lợi bất chính diễn ra phổ biến ở nhiều hơn, thậm chí mang tính tổ chức. Điều này làm ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế – xã hội và sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.
Cũng theo Thứ trưởng Hùng, Luật Hình sự, Kinh doanh bất động sản đều quy định cấm hành vi thao túng, thổi giá. Trong đó, Luật Kinh doanh bất động sản đưa ra các điều kiện rõ ràng để kiểm soát các hành vi này.
Ngoài ra, để chấn chỉnh việc này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài nguyên & Môi trường, Xây dựng và các bộ, địa phương liên quan có giải pháp xử lý. Ông Hùng cho hay Bộ Xây dựng đã phân tích về cơ cấu giá thành, giá bán, nguyên nhân tăng giá bất động sản và đề xuất một số giải pháp để giảm giá nhà, đất ở và ổn định thị trường bất động sản.
Trong đó, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ ngành liên quan cùng nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, thí điểm mô hình trung tâm giao dịch bất động sản và giao dịch quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý. Đề xuất lập trung tâm này, theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, nhằm hạn chế rủi ro về giá và pháp lý cho người mua. “Trung Quốc làm rất tốt mô hình này, giúp giao dịch bất động sản tường minh, Nhà nước nắm được các thông tin quản lý”, ông nói.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành chính sách thu thuế phù hợp nhằm hạn chế tình trạng nhà, đất được mua, bán, nhưng bỏ hoang, không sử dụng gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Cơ quan này cũng đề nghị các địa phương tăng kiểm tra, thanh tra việc thực hiện dự án, chủ đầu tư, đơn vị môi giới có hiện tượng thổi giá, trục lợi. Cùng với đó, các tỉnh, thành cần tiếp tục đẩy nhanh giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư, giải phóng mặt bằng, xác định tiền sử dụng đất. Việc này nhằm đảm bảo nguồn cung, cân bằng cung cầu tại một số thành phố lớn, như Hà Nội và TP HCM. Ngoài ra, địa phương cần công khai thông tin về thị trường bất động sản, kế hoạch phát triển khu đô thị, nhà ở…
“Việc này nhằm đảm bảo minh bạch thông tin thị trường, ngăn chặn các hiện tượng gian lận, lừa đảo trong kinh doanh bất động sản”, Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng thông tin.
Theo dự báo của Savills, nguồn cung căn hộ tại các đô thị như Hà Nội, TP HCM sẽ cải thiện thời gian tới, song chủ yếu ở phân khúc trung cấp, còn căn hộ bình dân tiếp tục biến mất. Dự kiến cuối năm có 9.700 căn hộ mở bán, trong đó 88% đến từ các giai đoạn tiếp theo của các đại dự án. Từ 2025 trở đi, khoảng 10.000 căn từ 106 dự án sẽ được đưa ra thị trường, nhưng ở rổ hàng trung đến cao cấp.
Trong bối cảnh giá chung cư neo cao, chuyên gia khuyến nghị người mua nên tích lũy được ít nhất 30% giá trị nhà mới tính đến việc trả góp, đồng thời có kế hoạch tài chính rõ ràng, tìm hiểu kỹ tiến độ, pháp lý dự án.
Phương Dung