Trung Quốc vừa cho phép các nhà phát triển địa ốc vay thế chấp bằng bất động sản thương mại để trả các khoản nợ khác.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Cơ quan quản lý tài chính quốc gia và Bộ Tài chính vừa công bố danh sách mới cho phép các công ty bất động sản vay thế chấp bằng bất động sản thương mại – như tòa nhà văn phòng và trung tâm mua sắm – để trả các khoản nợ khác, bao gồm cả trái phiếu, cũng như trang trải chi phí hoạt động.
Các khoản vay không được vượt quá 70% giá trị thẩm định của tài sản thế chấp và có thời hạn 10 năm, cao nhất là 15 năm. Doanh nghiệp chỉ được dùng nguồn vốn này để trả nợ vay, nợ trái phiếu và không được sử dụng cho mục đích mua bất động sản hay đầu tư xây dựng mới.
Cơ quan quản lý cho hay chính sách vừa ban hành không phải là sự đảo ngược hoàn toàn nỗ lực kiềm chế nợ và kiểm soát rủi ro trong ngành bất động sản. Các ngân hàng thương mại cho vay diện này phải tiến hành thẩm định đầy đủ trước và sau khi các khoản vay được giải ngân để giảm thiểu rủi ro.
Ngành bất động sản chiếm khoảng một phần tư nền kinh tế Trung Quốc. Đến nay, hàng chục nhà phát triển bất động sản đã vỡ nợ sau khi chính phủ triển khai chính sách 3 lằn ranh đỏ vài năm trước. Trong đó, gã khổng lồ China Evergrande vẫn đang cố gắng giải quyết khoản nợ hơn 300 tỷ USD. Tòa án Hong Kong sẽ tổ chức phiên điều trần về kế hoạch tái cơ cấu của họ vào tuần tới.
Theo UBS, chưa thể ước lượng được tốc độ và quy mô giải ngân của những khoản vay theo chính sách mới vì các ngân hàng có thể sẽ theo dõi tính thương mại và rủi ro của chúng. Tuy nhiên, động thái của cơ quan chức năng được đánh giá là “bước quan trọng” nhằm tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp.
“Để nguồn tài chính của các nhà phát triển bất động sản được cải thiện một cách cơ bản và bền vững, doanh số bán hàng cần ngừng giảm và bắt đầu phục hồi. Điều này có thể đòi hỏi nhiều nỗ lực chính sách hơn để ổn định thị trường bất động sản”, báo cáo của UBS bình luận.
Anh Kỳ (theo AP)