Dự thảo Nghị định về hoạt động lấn biển do Bộ Tài nguyên và Môi trường soạn thảo đang được lấy ý kiến, trong đó nêu quy định về xác định tiền sử dụng, thuê đất với diện tích đất lấn biển.
Góp ý, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đồng tình quy định tính giá đất dự án lấn biển theo pháp luật về đất đai. Song ông Châu cho rằng phương pháp thặng dư là phù hợp nhất để tính giá đất cho dự án lấn biển, bởi đây là khu đất có tiềm năng phát triển.
Thặng dư là phương pháp lấy doanh thu trừ đi chi phí phát triển của thửa đất trên cơ sở hiệu quả sử dụng đất. Các khoản thu và chi phí này đều là ước tính khi nhà đầu tư phát triển dự án.
Theo HoSE, trường hợp ước tính tổng mức đầu tư loại dự án này theo phương pháp thặng dư phải gồm chi phí lấn biển. Tuy nhiên, dự thảo nghị định chưa đưa chi phí lãi vay và dự phòng vào tổng mức đầu tư dự án loại này. Do đó, hiệp hội này đề nghị bổ sung hai khoản phí này vào tổng chi phí phát triển dự án lấn biển ước tính theo phương pháp thặng dư.
Bởi theo họ, chi phí lãi vay là khoản chi thực tế rất lớn, do các chủ đầu tư đều có nhu cầu vay vốn tín dụng trung, dài hạn. Có trường hợp, chủ đầu tư phải vay lãi suất cao, khiến chi phí vay chiếm hơn 20% tổng mức đầu tư dự án.
Còn khoản dự phòng là khoản phí hợp lý, do phần lớn dự án bất động sản (gồm dự án lấn biển) đều có thời gian thực hiện dài, 3-5 năm, dẫn đến phát sinh chi phí đầu tư.
Ngoài ra, hiệp hội này cũng kiến nghị bỏ trần chi phí lãi vay 30% để phản ánh đúng, kịp thời hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh quy định về xây dựng, HoREA cho rằng chủ đầu tư dự án lấn biến cần tuân thủ các quy định về đầu tư, nhà ở, kinh doanh bất động sản, pháp luật biển, lâm nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, bảo vệ môi trường.
“Nếu dự án lấn biển được đầu tư bằng vốn tư nhân, chủ đầu tư phải triển khai các dự án thành phần hoặc hạng mục thuộc dự án. Do đó doanh nghiệp phải thực hiện theo quy hoạch và tuân thủ các pháp luật có liên quan”, theo HoREA.
Ngọc Diễm