Thông tin trên được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đông nêu trong báo cáo quản lý thị trường bất động sản và nhà xã hội giai đoạn 2015-2023.
Trong 8 năm, Lâm Đồng duyệt chủ trương đầu tư 16 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị với quy mô gần 360 ha, tổng vốn đăng ký gần 16.800 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, còn 4 dự án chậm tiến độ, tập trung ở TP Đà Lạt, huyện Lâm Hà và Di Linh.
Cụ thể, ba trong 7 dự án được duyệt đầu tư giai đoạn 2015-2020 chậm tiến độ. Dự án có vốn đầu tư lớn nhất là Khu trung tâm dịch vụ công cộng và Khu bãi đậu xe thuộc Khu công viên văn hóa và đô thị TP Đà Lạt với hơn 700 tỷ đồng. Quy mô dự án khoảng 1 ha với gần 250 sản phẩm. Báo cáo cho biết vị trí xây dựng dự án chưa được phê duyệt trong quy hoạch phân khu, chủ đầu tư cũng chưa bổ sung hồ sơ theo yêu cầu Bộ Xây dựng.
Khu căn hộ và dịch vụ tổng hợp Sun Garden Đà Lạt của Công ty cổ phần Quản lý đầu tư STC cũng chậm tiến độ. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 120 tỷ đồng, cung cấp hơn 90 sản phẩm. Báo cáo nêu tiến độ dự án bị ảnh hưởng bởi vị trí trong khu vực có nguy cơ sạt lở cùng với tình hình mưa bão phức tạp. TP Đà Lạt yêu cầu chủ đầu tư bổ sung việc quan trắc công trình đã xây dựng, biện pháp thi công để xin phép tiếp tục thi công hoàn thiện.
Thứ ba là Dự án đầu tư xây dựng một phần khu dân cư Vạn Tâm của Công ty TNHH Đầu tư và thương mại bất động sản Vạn Tâm. Dự án nằm ở huyện Lâm Hà với quy mô hơn 9 ha, cung cấp hơn 150 lô. Lý do chậm tiện độ là chủ đầu tư đang thực hiện thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết dự án.
Giai đoạn 2021-2023, có một dự án bị chậm tiến độ, trong tổng 9 dự án được duyệt đầu tư. Đó là Khu dân cư đồi Thanh Danh của Liên danh Công ty TNHH OLECO – NQ và Công ty cổ phần Bất động sản Mỹ. Dự án nằm ở huyện Di Linh với diện tích 5 ha, tổng vốn đầu tư hơn 550 tỷ đồng, cung cấp hơn 140 căn nhà và 10 lô đất. Dự án chậm tiến độ do vướng mắc trong lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng với những thửa đất được giao khoán cho hộ dân, không có sổ đỏ.
Với phân khúc nhà ở xã hội, báo cáo cho biết việc phát triển phân khúc này tại tỉnh Lâm Đồng còn chậm, hiệu quả chưa cao. Từ năm 2022, tỉnh không có dự án nào đưa vào sử dụng. Trong năm nay, tỉnh phải triển khai ba dự án tập trung ở Đà Lạt, nhưng tiến độ đang chậm so với kế hoạch, chủ yếu do chậm thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Ba dự án gồm Khu quy hoạch 5B-CC5 (phường 3 và 4), dự án Nhà ở xã hội Kim Đồng (phường 6) và Nhà ở xã hội Sào Nam (phường 11).
Báo cáo nêu trách nhiệm thuộc về địa phương do chưa quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở trên địa bàn. Thị trường bất động sản Lâm Đồng đang gặp khó khăn vì nhiều dự án nhà thương mại phải dừng, giãn tiến độ khiến nguồn cung sụt giảm.
Với nhà ở xã hội, nhu cầu tập trung ở TP Đà Lạt nhưng quỹ đất ở thành phố còn hạn chế, quy mô nhỏ, nằm rải rác. Những khu vực này khó thu hút đầu tư bởi hệ số sử dụng đất không cao, chưa được bồi thường giải phóng mặt bằng. Loại hình sản phẩm cũng thiếu đa dạng, chưa có sản phẩm cho công nhân, người lao động tại khu công nghiệp.
Phản hồi báo cáo của Đoàn Đại biểu Quốc hội, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao Sở Xây dựng đề xuất giải pháp hoàn thành mục tiêu chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030, báo cáo tỉnh trước ngày 24/5.
Ngọc Diễm