Trong tài liệu phục vụ Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Xây dựng cho biết phân khúc nhà ở xã hội có 8 dự án đã hoàn thành. Tính từ 2021 đến nay, cả nước có 503 dự án đã triển khai với quy mô 418.200 căn. Trong đó có 75 dự án hoàn thành với gần 40.000 căn.
Theo đề án đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn nhà xã hội, mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn. Riêng năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng khoảng 130.000 căn. Cơ quan này đánh giá “khó hoàn thành chỉ tiêu trên trong năm 2024”.
Việc triển khai gói vay 120.000 tỷ đồng, Bộ cho biết, còn rất chậm. Gói này mới giải ngân được 1%, tức khoảng 1.234 tỷ đồng. Trong số này khoảng 1.200 tỷ cho chủ đầu tư tại 12 dự án, tức mới giải ngân hơn 30 tỷ cho người mua nhà. Ngoài ra, mới có một nửa tỉnh thành trên cả nước công bố danh mục dự án có nhu cầu vay, tập trung ở Hà Nội, TP HCM, Bắc Ninh, Bình Định… Nguyên nhân được Bộ chỉ ra là lãi suất gói vay ưu đãi trên vẫn cao, trong khi thời gian cho vay ngắn nên chưa thu hút được các doanh nghiệp, người dân vay vốn.
Về thị trường bất động sản, Bộ cho biết nguồn cung nhà ở đang tăng trở lại sau một thời gian hạn chế. Nửa đầu năm nay có 18 dự án nhà thương mại hoàn thành, 23 dự án được cấp phép mới. Với dự án phân lô bán nền cho người dân tự xây dựng nhà ở, có 32 dự án hoàn thành và 16 dự án được cấp phép.
Bộ đánh giá thị trường bất động sản đã tích cực hơn khi mức độ quan tâm, lượng tìm kiếm thông tin bất động sản của khách hàng, nhà đầu tư tăng cao. 6 tháng đầu năm có trên 253.000 giao dịch thành công, tăng hơn 10% so với nửa cuối năm ngoái, “tập trung vào phân khúc đất nền”. Cùng đó, lãi suất ngân hàng được giảm, chủ đầu tư đưa ra nhiều chính sách có lợi cho người mua nhà cũng góp phần cải thiện tính thanh khoản trên thị trường.
Dù đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn. Hoạt động của các doanh nghiệp vật liệu xây dựng và bất động sản vẫn đối mặt tình trạng thiếu hụt dòng tiền, thua lỗ. Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, gần 31% doanh nghiệp xây dựng đánh giá quý II khó khăn hơn quý I. Gần 50% doanh nghiệp không có hợp đồng xây dựng mới trong quý II. Chưa kể, áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn còn lớn. Ước tính năm nay có khoảng 279.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó bất động sản chiếm gần 42%.
Trong 6 tháng cuối năm, Bộ Xây dựng cho biết nhiệm vụ trọng tâm là đôn đốc các địa phương triển khai đề án đầu tư ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội đồng thời có giải pháp gỡ khó, tăng nguồn cung nhà ở cho người có thu nhập trung bình thấp để “cân đối lại cung cầu”.
Trước đó, Bộ đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu gói vay ưu đãi mới cho người mua nhà xã hội với lãi vay thấp hơn 3-5% lãi suất vay thương mại, kỳ hạn vay 10-15 năm. Mức lãi đề xuất này mềm hơn gói tín dụng ưu đãi đang thực hiện (thấp hơn 1,5-3% lãi vay thương mại).
Ngọc Diễm