Bộ Xây dựng: Phát triển đô thị phải ‘quan tâm mức sống người dân’

Các địa phương như Hà Nội, TP HCM cần tránh dàn trải khi phát triển đô thị, đặc biệt cần quan tâm đến mức sống của người dân, theo Bộ Xây dựng.

Nội dung được bà Phạm Thị Nhâm, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) chia sẻ tại hội nghị công bố Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn đến 2030, tầm nhìn 2050, ngày 3/10.

Bà Nhâm cho biết điểm mới của quy hoạch là hình thành 4 vùng đô thị, gồm Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ, tăng thêm hai đô thị so với trước đây. Hà Nội và TP HCM được định hướng trở thành thành phố toàn cầu, năng động, là đầu mối giao thương quan trọng với quốc tế. Trong đó, Hà Nội sẽ khai thác lợi thế sông Hồng để tạo lập hình ảnh thương hiệu đô thị, đồng thời sớm khắc phục tình trạng tắc nghẽn, ngập úng.

Còn TP HCM được định hướng trở thành trung tâm tài chính quốc tế, khai thác lợi thế sông Sài Gòn và Đồng Nai, với hai động lực tăng trưởng mới là TP Thủ Đức và huyện Cần Giờ.

Sau khi quy hoạch được phê duyệt, bà Nhâm cho rằng các địa phương phải xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống đô thị, cơ sở hạ tầng đảm bảo có trọng tâm, tránh dàn trải. “Đặc biệt, phát triển đô thị phải quan tâm, tiệm cận được với mức sống của người dân”, bà nói.





Một góc khu Đông TP HCM nhìn từ trên cao. Ảnh: Quỳnh Trần

Một góc khu Đông TP HCM nhìn từ trên cao. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2023 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người tại Hà Nội đạt 6,86 triệu đồng mỗi người một tháng, xếp thứ hai cả nước sau Bình Dương. TP HCM ở vị trí thứ 4 với 6,5 triệu đồng một người một tháng.

Tuy nhiên, giá hàng hóa, dịch vụ tại hai thành phố này cũng đắt đỏ nhất cả nước. Theo chỉ số sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2023, Hà Nội dẫn đầu cả nước về mức độ đắt đỏ, tập trung ở một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như may mặc, văn hóa giải trí, du lịch, dịch vụ ăn uống, thiết bị và đồ dùng gia đình. TP HCM đứng thứ hai, bằng 98,4% so với Hà Nội.

Cũng theo quy hoạch đô thị quốc gia, ngoài các đô thị trung tâm, mỗi vùng sẽ có những đô thị vệ tinh. Theo bà Nhâm, các đô thị lân cận này sẽ đẩy mạnh phát triển y tế, dịch vụ, công nghiệp, giáo dục… nhằm hạn chế sự tập trung quá mức vào đô thị trung tâm.

Các địa phương thuộc 4 vùng đô thị:

Vùng đô thịTỉnh, thành
Hà NộiHà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc
Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hòa Bình, Phú Thọ
TP HCMTP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa –
Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Tiền Giang
Đà NẵngĐà Nẵng, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định
Cần ThơTP Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp

Bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến Trúc, Bộ Xây dựng, cũng cho biết quy hoạch mới không chỉ định hướng hệ thống đô thị mà còn có khu vực nông thôn. Hiện tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 42%. Đến năm 2030, cả nước có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu 100% các huyện đều có đô thị.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Việt Hùng cho biết các địa phương cần thúc đẩy hợp tác đầu tư, triển khai các dự án nâng cấp, phát triển đô thị thích ứng biến đổi khí hậu, đô thị thông minh trên địa bàn.

Theo chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ ban hành, tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt 50% đến năm 2030 và 70% đến 2050, với khoảng 1.000 – 1.200 đô thị. Giai đoạn 2025-2030, dân số đô thị tăng trung bình 3,4-4,1% và diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người khu vực này đạt tối thiểu 32 m2.

Kinh tế khu vực đô thị dự kiến đóng góp khoảng 85% vào GDP cả nước. Mục tiêu đến năm 2050, cả nước xây dựng ít nhất 5 đô thị tầm cỡ quốc tế.

Ngọc Diễm


Nguồn vnexpress

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *