Nội dung trên được Thứ trưởng Tài chính Lê Tấn Cận đưa ra tại buổi làm việc của Đảng đoàn Quốc hội với Ban thường vụ Thành ủy TP HCM, sáng 5/10.
Theo số liệu thống kê, 9 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách trên địa bàn TP HCM ước thực hiện 371.307 tỷ đồng, đạt 76,9% dự toán và tăng 14,3% so với cùng kỳ. Trong khi đó, con số này ở Hà Nội là 376.430 tỷ đồng, đạt 92,1% dự toán, tăng 22,2% so với cùng kỳ.
Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội, nói rằng qua theo dõi thì đây là lần đầu tiên Hà Nội vượt TP HCM về số thu ngân sách. TP HCM là thành phố năng động, cửa ngõ quan trọng kết nối khu vực và thế giới. Cả nước mong thành phố phát triển để đóng góp cho cả nước. Nhiều năm qua, TP HCM luôn đóng góp lớn nhất cho ngân sách.
“Lý do giảm cần được lý giải rõ để có cách giải quyết”, ông Mẫn nói.
Trả lời Chủ tịch Quốc hội, Thứ trưởng Lê Tấn Cận nói nhiều năm qua, Hà Nội và TP HCM luôn là hai địa phương thu ngân sách dẫn đầu cả nước. Theo dự toán giao năm 2024, số thu ngân sách của TP HCM cao hơn Hà Nội khoảng 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm, TP HCM lại thu được ít hơn.
Theo ông, nguyên nhân chính khiến nguồn thu của TP HCM giảm là do liên quan đến lĩnh vực đất đai và tình hình phục hồi sau dịch.
Phân tích về nguồn thu liên quan lĩnh vực đất đai, Thứ trưởng Tài chính cho biết tiền thu sử dụng đất của Hà Nội trong 9 tháng qua đạt gần 33.000 tỷ đồng, còn TP HCM chỉ khoảng 5.900 tỷ đồng, tức thấp hơn khoảng 27.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, khi tình hình giao dịch đất đai không được triển khai khiến các khoản thuế từ giao dịch, chuyển nhượng, chuyển quyền, thu nhập và kể cả thuế VAT cũng bị ảnh hưởng khiến việc thu ngân sách giữa TP HCM với Hà Nội có sự chênh lệch.
Ở nguyên nhân thứ hai, về sự phục hồi sau đại dịch của các doanh nghiệp, ông Cận nói TP HCM hiện có gần 280.000 doanh nghiệp, còn Hà Nội là dưới 200.000 doanh nghiệp.
“Khi triển khai phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, tình hình kê khai về thuế đối với khu vực TP HCM giảm sút hơn so với Hà Nội. Điều này cho thấy sự phục hồi của các doanh nghiệp tại Hà Nội tốt hơn”, ông Cận nhìn nhận.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Tài chính cho rằng dù gặp khó khăn và số thu ngân sách của TP HCM có giảm so với Hà Nội nhưng so với dự toán được giao TP HCM vẫn sẽ hoàn thành và dự kiến sẽ thu vượt 2% kế hoạch.
Ông Cận cho rằng TP HCM đang triển khai và sẽ công bố bảng giá đất điều chỉnh trước ngày 15/10. Điều này giúp thành phố có những triển vọng, phát triển tốt hơn để có nguồn thu ngân sách đảm bảo theo dự toán.
TP HCM dự kiến ban hành bảng giá đất điều chỉnh áp dụng từ ngày 1/8 khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực. Tuy nhiên, việc này gặp nhiều phản ứng trái chiều khi cho rằng giá đất nhiều khu vực, đặc biệt các huyện ngoại thành tăng đột biến, tác động lớn đến người dân.
Theo đó, giá đất trong dự thảo bảng giá điều chỉnh tại nhiều địa bàn có xu hướng tăng trung bình từ 5-10 lần, một số địa phương thuộc khu vực ngoại thành và vùng ven TP HCM dự kiến điều chỉnh tăng đột biến từ 15-50 lần so với hiện tại (chưa nhân hệ số K). Tuy nhiên, sở khẳng định giá đất này mới chỉ bằng 70% thị trường.
Do không có bảng giá điều chỉnh, hàng nghìn hồ sơ đất đai bị ùn ứ vì tắc khâu tính thuế. Ngày 21/9, UBND TP HCM cho phép tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành để tính thuế cho các hồ sơ phát sinh từ ngày 1/8, trong lúc chờ ban hành bảng giá đất mới. Đến ngày 29/9, Cục Thuế TP HCM đã giải quyết hơn 14.300 hồ sơ thuế đất, tương đương trên 90% tổng số tồn đọng từ 1/8.
Lê Tuyết