Bộ Xây dựng: Giao dịch nhà ở giảm 30% trong quý II

Theo số liệu tổng hợp từ 60 địa phương của Bộ Xây dựng, phân khúc nhà ở (gồm căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ) đạt gần 25.900 giao dịch trong quý II, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức này cũng hạ gần 30% so với ba tháng đầu năm.

Báo cáo trước đó của đơn vị nghiên cứu bất động sản Savills cho thấy quý II lượng căn hộ mới bán được tại Hà Nội giảm 4% so với quý I, đạt gần 5.100 căn. Nguồn cung mới có tỷ lệ hấp thụ 59%. Trong khi đó, theo dữ liệu của kênh rao tin Batdongsan, thị trường chung cư ở thủ đô không còn giữ được “phong độ” tăng trưởng từ giữa quý II. Mức độ quan tâm của người mua nhà đi ngang so với tháng 3 và 4. Lượng tin đăng cũng giảm 9% trên thị trường mua bán.

Tại TP HCM, hãng tư vấn, nghiên cứu bất động sản CBRE cho biết số căn hộ bán được trong nửa đầu năm nay bằng 80% so với cùng kỳ, hơn 1.700 căn.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản (VARS) cho biết mức độ quan tâm chung cư hạ nhiệt do người dân đã bớt tâm lý FOMO (sợ bị bỏ lỡ) hơn.

Cùng với đó, mặt bằng giá phân khúc này được neo ở mức cao và người mua chủ yếu trong trạng thái chờ đợi, theo Bộ Xây dựng. Chẳng hạn, giá chung cư trong quý II tăng khoảng 5-6,5% so với ba tháng đầu năm. Đà tăng mạnh tập trung ở một số dự án cũ, hoạt động nhiều năm như khu đô thị Royal City tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái, Mỹ Đình Sông Đà – Sudico (32%), Vinhomes West Point (28%)… Thậm chí, khu tái định cư tại Nam Trung Yên cũng tăng giá 20% theo năm.

Một số tòa mở bán ở Hà Nội thời gian qua đều tập trung ở Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, giá từ 55 triệu đồng một m2. Ngưỡng dưới 55 triệu đồng mỗi m2 chỉ ghi nhận ở hai dự án ở huyện Hoài Đức và quận Hà Đông. Tuy nhiên, giá chung cư leo thang được Bộ Xây dựng đánh giá “chỉ xảy ra trong một giai đoạn ngắn” và có dấu hiệu chững lại vào cuối quý II.






Một dãy chung cư đã hoạt động hơn 10 năm tại Tây Nam Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Diễm

Tuy nhiên, chung cư sau khi đã lập mặt bằng giá mới, theo ông Đính, rất khó giảm, nhất là khi thị trường Hà Nội chưa giải quyết được tình trạng lệch pha cung – cầu. Hiện phân khúc này đã tăng 21 quý liên tiếp, đạt gần 60 triệu đồng một m2.

Giá nhà neo cao và ngày càng chênh lớn với thu nhập của người dân cũng khiến nhu cầu vay vốn chậm lại. Bộ Xây dựng dẫn lại số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng đạt 4,45%, mức tương đối thấp so với cùng kỳ trong các năm gần đây. “Xu hướng này có thể tiếp tục duy trì do kinh tế vẫn khó khăn”, Bộ cho biết.

Trái ngược với đà giảm của thị trường nhà ở, giao dịch đất nền có dấu hiệu tăng trở lại. Theo Bộ Xây dựng, trong quý II, phân khúc này có gần 125.000 giao dịch thành công, tăng 28% so với đầu năm. Ông Đính cũng cho biết nhu cầu với đất nền vùng ven dưới 2 tỷ đồng một lô tăng, trong bối cảnh ba luật mới liên quan bất động sản có hiệu lực từ 1/8 đã siết chặt hoạt động phân lô bán nền. Biểu hiện là đấu giá đất tại một số địa phương, nhất là huyện ven Hà Nội đã ghi nhận số lượng hồ sơ tăng vọt trong thời gian gần đây.

Kênh Batdongsan cũng chỉ ra mức độ quan tâm đất nền nửa đầu năm nay phục hồi, sau khi chạm đáy vào năm 2023. Theo đó, Đông Anh là khu vực có mức độ quan tâm tăng mạnh nhất với 104%, tiếp đến là Quốc Oai (101%), Gia Lâm (95%(, Hoài Đức (79%) và Thạch Thất (48%).

Thực tế, thị trường bất động sản vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau nhiều nỗ lực gỡ khó từ cơ quan quản lý. Tuy vậy, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục gỡ khó cho các dự án bất động sản, nhất là dự án có khả năng thanh khoản tốt để tăng nguồn cung, hỗ trợ thị trường “chuyển biến rõ nét trong nửa cuối năm”. Bộ này cũng đề nghị các địa phương rà soát, tháo gỡ các dự án đầu tư, đặc biệt dự án lớn hoặc tồn đọng nhiều năm.

Ngọc Diễm



Nguồn Vnexpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *