Quy hoạch cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn tới năm 2050 vừa được Chính phủ ký ban hành. Hệ thống cảng hàng không được quy hoạch theo mô hình trục nan với 2 đầu mối chính tại khu vực Thủ đô Hà Nội và khu vực TPHCM, hình thành 30 cảng hàng không.
Quy hoạch cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn tới năm 2050 xác định, tới năm 2030 cả nước sẽ có 30 sân bay, trong đó có 14 sân bay quốc tế và 16 sân bay nội địa. Ngoài các sân bay hiện hữu (hoặc đang xây dựng), giai đoạn này chỉ xác định đầu tư thêm sân bay: Lai Châu, Sapa (Lào Cai), Nà Sản (Sơn La), Quảng Trị, Thành Sơn (Ninh Thuận) và Biên Hòa (Đồng Nai).
Bên cạnh đó, quy hoạch cũng xác định tiếp tục quy hoạch sân bay Tiên Lãng để tiến tới thay thế sân bay Cát Bi (Hải Phòng).
Tầm nhìn đến năm 2050, cả nước sẽ có 33 sân bay. Trong đó, 14 sân bay quốc tế tiếp tục được giữ, nhưng sân bay Hải Phòng mới sẽ thay sân bay Cát Bi (sân bay Cát Bi chuyển thành sân bay nội địa). Với sân bay nội địa, ngoài hạ cấp sân bay Cát Bi, chỉ bổ sung thêm sân bay Cao Bằng và sân bay thứ 2 vùng Thủ đô.
Với quy hoạch trên, hơn 10 địa phương đề xuất sân bay mới của mình vào quy hoạch đã không được thể hiện trực tiếp, thay vào đó sẽ nghiên cứu, xem xét và báo cáo Thủ tướng quyết định khi đủ điều kiện.
“Sẽ nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch thành cảng hàng không đối với một số sân bay phục vụ quốc phòng, an ninh; một số vị trí quan trọng về khẩn nguy, cứu trợ, có tiềm năng phát triển về du lịch, dịch vụ và các vị trí khác có thể xây dựng, khai thác cảng hàng không; báo cáo Thủ tướng xem xét việc bổ sung quy hoạch khi đủ điều kiện. Trong đó sẽ đánh giá kỹ lưỡng về nhu cầu, yêu cầu kỹ thuật, nguồn lực đầu tư và các tác động liên quan”, quy hoạch xác định.
Cụ thể, các địa phương dự kiến có sân bay thuộc diện xem xét bổ sung sau, gồm: Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Nội (sân bay Gia Lâm), Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đắk Nông, Tây Ninh.
Về sân bay thuộc diện ưu tiên đầu tư thời gian tới, quy hoạch xác định gồm: Long Thành, Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc; xem xét xây dựng mới hoặc nâng cấp một số sân bay quân sự có vị trí quan trọng, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội…
Bố trí các trung tâm logistics tại các cảng hàng không có nhu cầu vận tải lớn hơn 250.000 tấn/năm. Các trung tâm logistics đảm bảo các điều kiện về kho vận và kết nối các loại hình giao thông thích hợp để vận tải hàng hóa tại các cảng hàng không gồm: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Vân Đồn, Cát Bi, Đà Nẵng, Chu Lai, Long Thành, Cần Thơ và một số cảng hàng không khác khi có nhu cầu vận tải hàng hóa đạt tiêu chí nêu trên. Hình thành trung tâm logistics trung chuyển hàng hóa quốc tế tại cảng hàng không Chu Lai.
Theo quy hoạch, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 420.000 tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác. Trong đó, đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng các cảng hàng không quốc tế quan trọng, đóng vai trò đầu mối như: Long Thành, Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc.
Đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng các cảng hàng không tại vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hải đảo; các cảng hàng không có hoạt động quân sự thường xuyên; và các cảng hàng không khác trong hệ thống đáp ứng nhu cầu khai thác, phát triển kinh tế – xã hội.
Như vậy, quy hoạch sân bay mới được Chính phủ phê duyệt về cơ bản không có thay đổi quá lớn so với dự thảo trước đó đã được Bộ Giao thông Vận tải trình. Dù việc phê duyệt bị kéo dài hơn sau khi có hàng loạt địa phương muốn đưa vào quy hoạch sân bay mới ở tỉnh mình.