Kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhận được nhiều ý kiến đóng góp, đề nghị bổ sung các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, trong đó đề nghị đưa chế tài về thu hồi đất do vi phạm pháp luật môi trường.
Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về môi trường
Chính phủ vừa có văn bản gửi Quốc hội báo cáo Tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) .
Theo kết quả tổng hợp, để góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các cơ quan, tổ chức đã tổ chức nhiều cuộc hội nghị, hội thảo; đã nhận được hơn 12,1 triệu lượt ý kiến góp ý vào dự thảo Luật.
Trong đó, liên quan đến việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai nhận được nhiều ý kiến đóng góp.
Theo đó, Điều 80, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định 09 trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, tuy nhiên, không có bất kỳ quy định nào liên quan đến thu hồi đất do vi phạm pháp luật về môi trường.
Quy định tại khoản 3, Điều 3, Nghị định 91/2019/NĐ-CP về Xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai thì “Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất hoặc gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định, trong đó: “c) Gây ô nhiễm đất là trường hợp đưa vào trong đất các chất độc hại hoặc vi sinh vật, ký sinh trùng có hại cho cây trồng, vật nuôi, con người”.
Định nghĩa về huỷ hoại đất trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi 2023, Nghị định 91/2010/NĐ-CP nêu trên không đầy đủ và phản ánh hiệu quả nội hàm của khái niệm về vi phạm pháp luật môi trường.
Do đó, đề nghị đưa chế tài về thu hồi đất do vi phạm pháp luật môi trường là hết sức quan trọng, nhằm tạo khả năng răn đe và cảnh tỉnh các tổ chức, cá nhân có thực hiện các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực có sử dụng đất (vì – Luật Bảo vệ môi trường 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành có quy định nhiều biện pháp xử lý vi phạm liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật môi trường, nhưng không thể quy định về vấn đề thu hồi đất do thẩm quyền liên quan đến thu hồi đất được xác lập cho Luật Đất đai).
Cần quy định cụ thể cơ quan nào sẽ quản lý quỹ đất sau khi thu hồi
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị xem xét quy định cụ thể các mức độ vi phạm và xác định rõ khung áp dụng thu hồi đất đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong quá trình xử lý thu hồi.
Đề nghị quy định rõ diện tích tính thu thêm một khoản tiền tương ứng với mức thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chứ không phải tính thu thêm một khoản tiền cho toàn bộ diện tích đất thuê. Vì thực tế quy định tính thu tiền sử dụng đất trong thời gian chậm tiến độ không thực hiện được vì không có giá đất tính thu tiền sử dụng đất cho thời gian 24 tháng.
Đề nghị quy định rõ hơn để thuận lợi trong quá trình triển khai, thực hiện. Ngoài ra, chưa quy định cụ thể là cơ quan nào sẽ quản lý quỹ đất sau khi thu hồi (Trung tâm Phát triển quỹ đất hay Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất).
Đồng thời, đề nghị bổ sung thêm thu hồi đất trong trường hợp: Người sử dụng đất nợ tiền thuế và các khoản thu ngân sách nhà nước vượt quá 50% giá trị thửa đất.
Đề nghị bổ sung cụm từ “Không đưa đất vào sử dụng” vào đầu khoản để nội dung được rõ ràng, cụ thể như sau “Không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm” để nhằm khẳng định hành vi “không đưa đất vào sử dụng” là hành vi vi phạm chính sách của Nhà nước về đất đai và phải chịu chế tài khi vi phạm.
Cần làm rõ các mức độ vi phạm pháp luật về đất đai và xác định khung để thu hồi đất nếu vi phạm nghiêm trọng hoặc nhiều lần nhằm bịt kẽ hở cho việc xử lý thu hồi và không công bằng giữa các trường hợp bị thu hồi.
Đề nghị bổ sung thêm quy định về trường hợp người sử dụng đất năm đầu có vi phạm pháp luật về đất đai nhưng đã chuyển quyền sử dụng đất cho bên thứ ba thì có thuộc trường hợp bị thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai hay không vì đây là nội dung dễ xảy ra tranh chấp, khiếu nại khiếu kiện.
Ngoài ra, đề nghị sửa đổi bổ sung: “…Trường hợp chậm tiến độ quá 100% thời gian so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư mà chủ đầu tư chưa hoàn thành dự án đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng…”.