Trúng đấu giá rồi bỏ cọc sẽ bị xử lý như thế nào?

Người trúng đấu giá đất để làm dự án nhưng bỏ cọc sẽ không được tham gia đấu giá trong 6 tháng đến 5 năm, nếu quyết định công nhận kết quả bị hủy.

Luật Đấu giá tài sản sửa đổi có hiệu lực 1/1/2025 đã bổ sung các chế tài xử lý vi phạm với người tham gia đấu giá tại Điều 70. Theo đó, với trường hợp giao, cho thuê đất để thực hiện dự án, người trúng đấu giá nhưng bỏ cọc khiến kết quả bị hủy, sẽ không được tham gia đấu giá trong 6 tháng đến 5 năm.

Luật sư Phạm Thanh Tuấn, chuyên gia pháp lý bất động sản, lưu ý quy định này chỉ áp dụng cho doanh nghiệp khi tham gia đấu giá làm dự án đầu tư. Hiện luật này chưa có chế tài cụ thể với cá nhân trúng đấu giá, nhưng bỏ cọc.

Trường hợp cá nhân trúng đấu giá nhưng bỏ cọc theo đó được quy định tại Luật Đất đai. Cụ thể, theo Nghị định 102 hướng dẫn Luật Đất đai 2024, người trúng đấu giá không nộp đủ tiền trong 120 ngày sẽ bị hủy kết quả và mất tiền cọc. Nếu người trúng nộp tiền đặt trước nhiều hơn khoản cọc, họ sẽ được Nhà nước hoàn trả khoản chênh lệch.

Tuy nhiên, Luật Đấu giá tài sản sửa đổi đã siết quy định với người trúng đấu giá quyền sử dụng đất so với trước đây. Cụ thể, người tham gia hoặc trúng đấu giá sẽ bị xử lý kỷ luật, phạt hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thông đồng, móc nối với đấu giá viên, đơn vị tổ chức đấu giá… nhằm dìm, nâng giá hay làm sai lệch kết quả.

Vợ, chồng, anh ruột, chị ruột, em ruột cũng bị cấm tham gia phiên đấu giá với cùng một tài sản. Việc này nhằm tránh tình trạng thông đồng, dìm giá hay “quân xanh, quân đỏ”. Người tham gia cũng không được nhận ủy quyền từ người khác để đấu giá cùng tài sản đó.

Quy định mới được kỳ vọng góp phần ngăn chặn các hành vi tiêu cực, gây lũng đoạn thị trường, hạn chế tình trạng bỏ cọc hoặc thổi phồng giá trị để trục lợi trong đấu giá tài sản.

Trong vòng một tuần qua, liên tiếp hai phiên đấu giá đất tại huyện ven Hà Nội thu hút hàng nghìn hồ sơ đăng ký với giá trúng cao nhất hơn trăm triệu đồng một m2, gây xôn xao thị trường. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo bài học từ quá khứ, khi nhiều phiên đấu cũng trả giá cao kỷ lục, nhưng người trúng nhanh chóng bỏ cọc. Điều này gây hệ lụy, tác động đến mọi phân khúc bất động sản và gia tăng hiện tượng đầu cơ đất đai, lũng đoạn thị trường. Hệ quả là rủi ro thuộc về người mua cuối sau quá trình nhà đầu cơ mua đi bán lại để “lướt sóng” kiếm chênh lệch.

Ngọc Diễm


Nguồn vnexpress

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *