Thủ tướng: Chính quyền, doanh nghiệp phải đặt mình vào người chưa có chỗ ở

Thủ tướng đề nghị khi phát triển nhà xã hội, các chủ thể liên quan gồm chính quyền, doanh nghiệp, nhân dân cần cùng tìm cách, đặt mình vào người chưa có chỗ ở để hành động.

Tháng 4/2023, Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 được duyệt. Các dự án nhà ở xã hội được nhiều ưu đãi như miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, vay vốn ưu đãi gói 120.000 tỷ đồng, được dành tối đa 20% tổng diện tích xây công trình, dịch vụ, nhà ở thương mại.

Tại hội nghị phát triển nhà ở xã hội sáng 16/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung làm để hoàn thành các chỉ tiêu vì nhà ở là một trong 3 trụ cột an sinh xã hội.





Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị về nhà ở xã hội sáng 16/3. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị về nhà ở xã hội sáng 16/3. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng đánh giá phát triển nhà ở xã hội có chuyển biến tích cực, song chưa đạt yêu cầu. Ông đề nghị các bộ ngành, địa phương xem lại cơ chế, chính sách đã đúng, trúng chưa. “Nếu rồi mà chưa làm được thì nguyên nhân chủ quan, khách quan do đâu? Cách tháo gỡ thế nào, mỗi chủ thể phải làm gì?”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Ông đánh giá muốn thực hiện được mục tiêu đề ra, cấp ủy, chính quyền phải vào cuộc, nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp cùng làm. “Đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động”, Thủ tướng nói.

Ông cũng yêu cầu chính quyền và doanh nghiệp “đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động”. Ông dẫn ví dụ doanh nghiệp muốn có lãi nhưng phải hợp lý, bởi “lãi nhiều, dân không mua được; lãi ít, doanh nghiệp không vui”.

Gần 500 dự án nhà ở xã hội dự kiến được triển khai trong 3 năm (2021-2023), cung ứng hơn 411.250 căn hộ. Nhưng hiện số căn hoàn thành chiếm chưa tới 10%, số còn lại mới được khởi công hoặc chờ duyệt.

Các địa phương phát triển nhà ở xã hội không đồng đều, một số thu hút nhiều dự án như Bắc Ninh, Hải Phòng, Bình Dương. Nhưng nhiều địa phương trọng điểm như Hà Nội, TP HCM, số lượng căn hộ chỉ đáp ứng chưa tới 20% nhu cầu. Thậm chí, nhiều nơi còn không có dự án nào được khởi công 3 năm qua như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ngãi.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng các địa phương cần nhìn tổng thể của các nguồn lực, có thể tính tới huy động toàn dân làm nhà ở xã hội để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Theo Bộ Xây dựng, cơ quan này đang cùng Bộ Tài nguyên & Môi trường, Tài chính nghiên cứu dự thảo các Nghị định hướng dẫn các Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) các để trình Chính phủ ban hành ngay trong tháng 5. Đây là cơ sở để Chính phủ trình Quốc hội cho phép các Luật nêu trên có hiệu lực sớm, dự kiến 1/7.

Cùng đó, các bộ ngành tập trung gỡ các khó khăn về thủ tục đầu tư, miễn tiền sử dụng đất, quy hoạch, dành quỹ đất, phát triển nhà ở lưu trú công nhân. Các địa phương đẩy nhanh tiến độ các dự án, rút ngắn thủ tục lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư.

Bộ này đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu hạ lãi suất cho vay gói 120.000 tỷ đồng; các bộ ngành bố trí vốn ngân sách nhà nước từ nguồn đầu tư công cho khách hàng cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, dự kiến 12.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2024-2025.

Cùng với Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư với lãi suất thấp. Hiện, 68 dự án tại 28 địa phương đủ điều kiện vay theo gói này, nhu cầu hơn 30.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các ngân hàng mới cam kết cho vay được 15 dự án khoảng 7.000 tỷ đồng, trong đó 8 dự án đã giải ngân 640 tỷ đồng. Tương ứng, mức cam kết cấp tín dụng 5,8%, giải ngân chưa được 1%.

Thủ tướng đánh giá tiến độ giải ngân gói tín dụng này còn chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tế. Ngoài mức lãi suất chưa đủ hấp dẫn, thời gian triển khai thành công một dự án khá lâu, từ 3-5 năm, cũng là nguyên nhân khiến lĩnh vực này không hấp dẫn nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, khả năng triển khai.

Ông yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước lớn và doanh nghiệp nghiên cứu gói tín dụng cho người mua với thời gian 10-15 năm, lãi suất thấp hơn 3-5% so với khoản vay thương mại. Các ngân hàng nghiên cứu, xem xét hạ lãi suất cho vay từ nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng phù hợp.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu Quỹ nhà ở xã hội, chính sách thuế phù hợp. Các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai dự án nhà ở xã hội. “Nếu các địa phương đòi hỏi, gây khó dễ, sách nhiễu thì doanh nghiệp cũng mất hào hứng”, ông nói.

Ông cũng lưu ý các địa phương quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Những vùng đất, vị trí đẹp, có lợi thế phải ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh”, ông nhấn mạnh, và cho rằng phải tạo việc làm cho người dân, từ đó mới có người đến ở, mua nhà, phát triển bất động sản, khu đô thị bền vững.

Phương Dung


Nguồn vnexpress

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *