Theo Luật Đất đai 2024, có hai nhóm đối tượng chính được hỗ trợ tái định cư. Một là nhóm bị Nhà nước thu hồi đất để làm dự án phát triển kinh tế, xã hội hoặc quốc phòng, an ninh. Hai là nhóm tái định cư tại chỗ, thuộc dự án chung cư phải cải tạo, xây dựng lại.
Với nhóm tái định cư do nhà đất bị thu hồi để làm dự án, thời gian qua một số địa phương thu thêm tiền đầu tư hạ tầng. Ví dụ, một thành phố đảo đã thu khoảng 3 triệu đồng mỗi m2. Nếu được bồi thường nền nhà 100 m2, người dân phải đóng thêm 300 triệu đồng. Thậm chí có địa phương thu đến 7 triệu đồng mỗi m2, tức số tiền người dân phải nộp thêm có thể lên đến 700 triệu đồng nếu muốn hoán đổi nhà.
Góp ý dự thảo nghị định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) nêu bất cập này và cho rằng những người tái định cư vì bị Nhà nước thu hồi đất đang thiệt thòi hơn nhóm có chung cư phải cải tạo.
Bởi cùng là đối tượng tái định cư, người dân thuộc dự án xây dựng lại nhà chung cư được bố trí nhà mới tại chỗ hoặc nơi khác ở gần đó. Về cơ bản môi trường sống và sinh kế gần như không bị xáo trộn lớn. Căn hộ mới của nhóm này thường có diện tích lớn hơn, chất lượng tốt hơn và được miễn tiền sử dụng đất, không phải nộp tiền xây dựng cơ sở hạ tầng.
Trong khi đó, nhóm tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đang phải chịu thiệt hơn khi phải đóng thêm một khoản tiền lớn, lên đến vài trăm triệu đồng để được hoán đổi nhà. Điều này chưa hợp tình hợp lý và đảm bảo công bằng giữa các nhóm đối tượng.
Do đó, Hiệp hội đề nghị bổ sung quy định không thu tiền đầu tư cơ sở hạ tầng với người tái định cư theo phương án bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
Dự thảo cũng quy định người có đất bị thu hồi nếu không được bồi thường số tiền bằng với giá trị một suất tái định cư tối thiểu sẽ được Nhà nước hỗ trợ. Tuy nhiên dự thảo chưa giải thích “suất tái định cư tối thiểu” cụ thể là gì. HoREA đề nghị cắt nghĩa suất tái định cư tối thiểu là một nền nhà đã có hạ tầng trong khu tái định cư hoặc một căn hộ theo quy định của UBND cấp tỉnh.
Ngọc Diễm