Huyện sắp lên quận của Hà Nội chuẩn bị khởi công tuyến đường gần 8.000 tỷ đồng, xây dựng thêm 3 cây cầu lớn bắc qua sông Hồng

Sắp thành quận của Hà Nội, Đông Anh không chỉ quy tụ các đại dự án mà còn thu hút đầu tư hàng loạt các dự án hạ tầng lớn. Trong đó, gần 15km còn lại của dự án vành đai 3 qua huyện Đông Anh sẽ thực hiện trong giai đoạn 2023 – 2028 với chi phí giải phóng mặt bằng dự kiến hơn 2.400 tỷ đồng và chi phí xây dựng hơn 5.400 tỷ đồng.

Vành đai 3 qua huyện Đông Anh có tổng chiều dài khoảng gần 15km, điểm đầu nằm tại nút giao cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, điểm cuối giao với đường Võ Văn Kiệt.

Theo quy hoạch, tuyến đường sẽ đi qua địa bàn 9 xã thuộc Đông Anh, bao gồm: Liên Hà, Việt Hùng, Uy Nỗ, Thị trấn Đông Anh, Tiên Dương, Vân Nội, Nguyên Khê, Bắc Hồng và Nam Hồng. Tổng diện tích cần thu hồi đất trong khu vực dự án là 130,8 ha. Về hiện trạng, khu vực dự án đi qua chủ yếu là đất nông nghiệp chiếm 95,4 ha; đất ở đô thị chiếm 9,7 ha; đất ở nông thôn chiếm 0,7 ha; đất giao thông 19,4 ha…

Tháng 7/2023, dự án đường vành đai 3 đoạn qua huyện Đông Anh đã được HĐND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư, chia thành hai dự án thành phần, trong đó dự án thành phần 1 là bồi thường, hỗ trợ tái định cư và thực hiện GPMB.

Tổng mức đầu tư của dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và thực hiện GPMB đường vành đai 3 qua huyện Đông Anh là 2.406 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường hỗ trợ GPMB là 2.342 tỷ đồng, chi phí di chuyển hạ tầng kỹ thuật là 41 tỷ đồng.

Về hạng mục thi công xây dựng tuyến đường sẽ có mặt cắt ngang 68m, dự kiến tổng mức đầu tư 5.413 tỷ đồng. Như vậy, tổng mức đầu tư cho cả hai dự án thành phần của vành đai 3 qua huyện Đông Anh là gần 8.000 tỷ đồng.

Theo tiến độ phê duyệt trong chủ trương đầu tư, dự án vành đai 3 qua huyện Đông Anh sẽ thực hiện trong giai đoạn 2023 – 2028.

Cũng vào tháng 7/2023, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Đề án thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận này, trên cơ sở nguyên trạng 185,68 km diện tích tự nhiên và quy mô dân số 437.308 người của huyện Đông Anh hiện có. Cùng với đó, thành lập 24 phường thuộc quận Đông Anh.

Theo định hướng, Quận Đông Anh sẽ được phát triển thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, tài chính, thương mại và giao dịch quốc tế khu vực Bắc sông Hồng, đóng vai trò động lực phát triển ở phía Bắc Thủ đô.

Trên địa bàn huyện Đông Anh còn có 2 tuyến đường sắt chạy qua là các tuyến nối trung tâm TP. Hà Nội với tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Lào Cai. Đặc biệt, huyện chỉ cách sân bay quốc tế Nội Bài 13km – được xem là cửa ngõ thông thương với quốc tế đã tạo cho Đông Anh nhiều lợi thế phát triển mọi mặt về kinh tế – xã hội.

Ngoài dự án vành đai 3, trong tháng 8/2023, Hà Nội đã duyệt đầu tư 10 dự án hạ tầng quy mô lớn khác tại Đông Anh, bao gồm: Xây dựng tuyến đường gom quốc lộ 3 (mới) qua UBND xã Vân Hà đến hết địa phận Đông Anh (dài 1,8 km; rộng 40 m; 278 tỷ đồng); xây dựng tuyến đường từ Hoàng Sa đến đường sắt Hà Nội – Lào Cai (3,7 km; rộng 50 m; 1.239 tỷ đồng).

Xây dựng tuyến đường LK50, đoạn từ quốc lộ 3 cũ đến đường Thư Lâm (dài 5,9 km; rộng 50 m; 1.303 tỷ đồng); xây dựng tuyến đường LK51 đoạn từ quốc lộ 3 mới đến đường Uy Nỗ (dài 5,7 km; rộng 40 m; 1.168 tỷ đồng).

Xây dựng tuyến đường LK53 đoạn từ đường kinh tế miền Đông (bốt cầu Tây) đến hết địa phận huyện Đông Anh (dài 1,3 km; rộng 25 – 40 m; 261 tỷ đồng); xây dựng tuyến đường LK54 kết khu tái định cư cầu Nhật Tân đến đường LK53 (dài 3,8 km; rộng 40 m; 1.204 tỷ đồng).

Xây dựng tuyến đường LK47 Nam Hồng – Tiên Dương, đoạn từ Võ Nguyên Giáp đến Võ Văn Kiệt (dài 4,5 km; rộng 30 – 40 m; 886 tỷ đồng); xây dựng tuyến đường từ CCN Nguyên Khê đến thôn Phù Liễn, xã Bắc Hồng (dài 3,8 km; rộng 25 – 40 m; 662 tỷ đồng).

Xây dựng tuyến đường từ đường sắt Hà Nội – Lào Cai đến KCN Đông Anh (dài 2,9 km; rộng 50 m; 601 tỷ đồng); xây dựng tuyến đường từ cầu Lộc Hà đến khu tái định cư Cổ Loa (dài 5,5 km; rộng 40 m; 960 tỷ đồng).

Cũng nằm trong tiến trình lên quận, huyện Đông Anh còn được Hà Nội ưu tiên tập trung nguồn lực phát triển, đặc biệt xây dựng thêm các cây cầu trọng điểm kết nối với trung tâm Thủ đô. Trong đó, 3 cây cầu nghìn tỷ vượt sông Hồng sẽ được thành phố xây thêm, đó là Tứ Liên, Thượng Cát và cầu Thăng Long mới.

Theo đó, cầu Tứ Liên có tổng chiều dài khoảng 4,8 km, thiết kế với khả năng chịu được động đất cấp 8. Mặt cầu rộng 8 làn xe với tổng mức đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng. Dự kiến đây là cây cầu dây văng thứ 2 sau cầu Nhật Tân được xây dựng tại Hà Nội và sẽ bắt đầu khởi côngvào năm 2024.

Cầu Thượng Cát sẽ đi trùng Vành đai 3,5, bắc ngang qua khu dân cư Liên Mạc – Thượng Cát (Bắc Từ Liêm) và kết nối đến khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh) với 8 làn xe, tổng vốn đầu tư khoảng 8.300 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong 4 năm (2023 – 2027).

Còn cầu Thăng Long mới ngay cạnh cầu Thăng Long hiện tại, đi trùng đường Vành đai 3, dài 2km, dự kiến xây dựng sau năm 2030.

Ngoài các cây cầu nói trên, theo bản đồ định hướng phát triển giao thông Phân khu N9 và Phân khu N10 thì còn một cây cầu khác có thể được xây dựng bắc qua sông Đuống, kết nối Đông Anh với quận Long Biên. Vị trí định hướng xây dựng cầu này là đoạn nối đê Phương Trạch (gần bến phà Đông Hội, Đông Anh) với đường Ngọc Thụy (quận Long Biên).

Hồi giữa tháng 10, Sở GTVT TP Hà Nội cho biết, với định hướng phát triển đô thị 2 bên sông, kéo dài đến các tỉnh lân cận trong vùng Thủ đô, Thành phố sẽ cần thêm nhiều cầu vượt sông hơn nữa. Vì vậy, Sở đề xuất bổ sung thêm 4 cầu qua sông Hồng để tăng cường kết nối một số khu đô thị, cũng như với các tỉnh lân cận. Trong đó là một cây cầu nằm trên tuyến đường Vành đai 2,5 sang Đông Anh. Vị trí này dự kiến kết nối phường Phú Thượng (Tây Hồ) và các xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc của huyện Đông Anh.

Như vậy nếu đề xuất này được thông qua, trong tương lai, huyện Đông Anh sẽ có tổng số 7 cây cầu bắc qua sông Hồng và sông Đuống, kết nối Đông Anh với khu vực trung tâm và các quận huyện khác của Hà Nội. Tính đến hiện tại, huyện đã có 3 cây cầu huyết mạch kết nối trung tâm Thủ đô Hà Nội là cầu Nhật Tân, cầu Thăng Long (bắc qua sông Hồng) và cầu Đông Trù (bắc qua sông Đuống).

Không chỉ quy tụ các đại dự án hạ tầng quy mô lớn, Đông Anh gây chú ý khi nhắc đến Siêu dự án Thành phố Thông minh có tháp tài chính cao nhất Việt Nam. Đây là dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển thành phố thông minh Bắc Hà Nội – liên doanh giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) triển khai. Tổng diện tích hơn 270ha, số vốn đầu tư lên đến 4,2 tỷ USD thuộc các xã Hải Bồi, Vĩnh Ngọc và Kim Nỗ.

Dự án có hạng mục tháp tài chính 108 tầng thuộc danh mục các công trình trọng điểm đã được HĐND TP quyết nghị. Tòa tháp này là điểm nhấn, trọng tâm của dự án, dự kiến sẽ là tòa tháp cao nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

photo-1708314207901
Phối cảnh tháp tài chính 108 tầng của dự án thành phố thông minh. Ảnh: BRG.

Ngoài siêu dự án này, huyện Đông Anh còn tổ chức Hội nghị công bố công khai Đồ án quy hoạch dự án đầu tư Xây dựng Trung tâm hành chính huyện Đông Anh tỷ lệ 1/500. Trung tâm này dự kiến thuộc xã Uy Nỗ và thị trấn Đông Anh; quy mô rộng khoảng 4,97ha; dự kiến là trung tâm “đầu não” – nơi làm việc bộ máy chính quyền đô thị của Đông Anh trong những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, trong tương lai, Đông Anh sẽ là một huyện quy tụ nhiều đại dự án của cả nước, đơn cử là Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia rộng 90ha, quy mô 7.336 tỷ đồng tại Xuân Hội, Xuân Canh; Vinhomes Cổ Loa tại các xã Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm quy mô 34.879 tỷ đồng; Tổ hợp Y tế và Chăm sóc sức khỏe công nghệ cao TH Medical thuộc xã Tiên Dương 3.500 tỷ đồng; dự án công viên Kim Quy, thuộc thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc 190ha, quy mô 4.600 tỷ đồng,…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *